Trang Kỷ niệm


Điếu văn
đọc tại tang lễ thầy Phạm Kiêm Âu
ngày 8 tháng 8 năm Giáp Tuất – 13/09/1994 tại Huế


Thưa Thầy,
     Cuộc phù thế trăm năm trãi qua biết bao nỗi đau sinh ly tử biệt! Nhưng có nỗi mất mát nào lơn lao hơn, nỗi tổn thương nào đau đơn hơn như Thầy đã để lại cho chúng con bây giờ, khi Thầy ra đi và không bao giờ trở lại!
     Hôm nay xúm xít quanh Thầy, dù chỉ một nhóm ít ỏi được may mắn sống gần Thầy, nhưng chúng con mang tâm tang chung của mấy vạn đồng môn thuộc nhiều thế hệ đang sống trong nước và khắp năm châu, đều là học trò của Thầy, trãi suốt đời người, Thầy đã sống với thiên chức sư phụ cao quý.
     Mỗi người trong chúng con đều giữ rất nhiều kỷ niệm riêng về Thầy, và tất cả hợp lại thành dung nghi rạng rỡ của Thầy: một nhà giáo dục hiểu biết sâu rộng về nghề nghiệp của mình, một vị thầy đòi hỏi nghiêm khắc nhưng đầy lòng từ ái đối với học trò, một nhân cách trí thức biết giữ bản lĩnh không thay đổi trong mọi hoàn cảnh, làm gương soi chung cho hậu bối. Cả trong những thời kỳ thử thách gay gắt nhất đối với số phận trí thức, lòng chúng con tràn đầy tự hào khi nhìn về chốn Hạnh-Đàn, nơi đó hình ảnh Thầy vẫn ung dung sáng lạn như là trúc biếc ngô xanh.
     Trong thời biểu của các niên học, Thầy chỉ dạy cho chúng con một số lĩnh vực khoa học, nhưng những gì chúng con thụ giáo được ở Thầy thì quan trọng và lớn lao hơn nhiều: ấy là hai chữ ĐứcNghĩa làm nền móng bồi dưỡng nhân cách và đạo lý con người sống ở đời. Ngày nay, những thế hệ học trò đầu tiên của Thầy cũng đã đi gần hết hành trình cuộc đời, đã trãi hết chông gai và hệ luỵ, đã trưởng thành và đã cống hiến trong nhiều lĩnh vực. Nhưng ngoảnh nhìn lại, chúng con đều nhận ra rằng trong sự rèn luyện bản ngã riêng của mỗi người, những điều học ở cuộc sống sau này thực quả cũng không nhiều so với những gì chúng con đã tiếp nhận được từ sự giáo huấn của Thầy trong những năm cắp sách đến Trường. Có phải chăng, những vị thầy tiền bối của truyền thống văn hoá Việt Nam, những Chu Văn An, Võ Trường Toản, Võ Liêm Sơn cũng đều là như vậy, trong quan hệ tinh thần đối với môn sinh của các vị?
     Modeste je vie, modeste je mourrai. Cho đến lúc từ giã cõi đời, Thầy vẫn sống đúng như câu châm ngôn Thầy thường nhắc. Nhưng trong di cảo của Thầy truyền lại, mỗi chúng con, dù đi khắp bốn phương trở về, đều có thể tìm thấy đúng chỗ ngồi, bạn hữu, từng điểm số và nhận xét của Thầy trong các giờ học. Đó là di sản giàu có nhất mà Thầy đã trao lại cho chúng con, bởi vì nếu không phải là Tình Thương muôn vàn thì làm sao một người như Thầy có thể làm được như vậy? Các bậc hiền nho Khổng Mạnh ngày xưa đã từng làm như vậy đối với môn đồ của mình chăng?
     Thầy đã yêu đến tận tuỵ thiên chức cao cả của Thầy, trong đó có phần riêng dành cho mỗi học trò của Thầy. Chúng con mãi mãi bé bỏng trong Tình Thương rộng lớn của Thầy, và vì thế, sự khuất bóng của Người Cha Tinh Thần từ đây không khỏi khiến cho chúng con thấy mình bơ vơ nhiều hơn trước cuộc đời.
     Hỡi ôi!
     Tiết cao Đức sáng, chốn sân nghiêm mãi vang vọng lời vàng,
     Nghĩa nặng ơn sâu, thông đỉnh Ngự vẫn mơ màng bóng bạc…
    Trước giờ tử biệt đau đớn này, chúng con đồng thanh thưa với Thầy một lời tự đáy tâm can: chúng con xin ghi tạc công ơn lớn lao của Thầy, xin nguyện báo đền bằng cách sống không có gì phải hỗ thẹn, để mãi mãi xứng đáng là học trò của Thầy. Ba nén hương trầm, mấy cành huệ trắng, chúng con thành kính tiễn đưa anh linh Thầy về thanh thản ở chốn Vĩnh Hằng.
     Thưa Thầy kính yêu, chúng con cúi lạy vĩnh biệt Thầy.


     Hoàng Phủ Ngọc Tường