Trang Kỷ niệm



Thầy tôi
Kính tưởng niệm thầy Phạm Kiêm Âu
                                  Hồ thị Nam Trân
 Sài Gòn năm 1991, một chiều mưa như trút nước, tôi nhận được tin nhắn của cô bạn thân Tuý Ngọc: "Tháng tới tau đi Mỹ; thầy Âu có vô Sài Gòn, ở nhà bà chị trên Tân Bình, gần sân bay TSN". Tôi hối hả đội mưa đi tìm thăm Thầy, sau nhiều giờ kiên trì hỏi đường, tôi cũng tìm ra ngôi biệt thự của Bác Tương, chị dâu và cũng là người thân duy nhất của Thầy ở Sài Gòn. Lòng mừng khấp khởi sẽ được gặp lại Thầy kính mến sau nhiều năm không gặp, nhưng hỡi ôi Thầy đã về Huế chiều hôm trước. Một cảm giác hụt hẩng, xót xa dâng lên trong lòng tôi. Hôm sau tôi viết thư cho Thầy, xin lỗi đã không liên lạc với Thầy nhiều năm qua vì tha phương kiếm sống, và nói lên nỗi buồn "như bị thi rớt" của mình khi tìm thăm Thầy ở Sài Gòn mà không gặp.
     Thật bất ngờ, chỉ một tuần sau tôi nhận được thư Thầy từ Huế gởi vào, Thầy rất xúc động về nỗi buồn "như bị thi rớt" của tôi, và bảo nếu như tôi còn là học trò 12C1 Đồng Khánh của Thầy thì Thầy sẽ cho điểm 20/20. Từ đó, tôi viết thư thăm Thầy thường xuyên và cũng nhận được rất nhiều thư hồi âm của Thầy. Tuy đã ngoài "thất thập cổ lai hy" nhưng sức viết của Thầy đáng trân trọng, thư nào cũng dày cộm, cớ từ 10 đến 16 trang, chữ nhỏ li ti, không chừa lề, mỗi tờ được gấp làm tư như bài văn của các cụ đồ nho ngày xưa, từng trang đều đánh số 1/16- 2/16... Thư viết thứ tự theo từng mục 1 - 2 - 3, sau mỗi mục còn có a- b- c- và gạch đầu giòng như giáo án!
     Tôi đọc và ngậm ngùi khó tả - Thầy Phạm Kiêm Âu kính mến của học sinh Đồng Khánh ngày trước vẫn y như xưa, nghĩa là vẫn dào dạt tình thương chân thành cho học trò, đồng cảm sâu sắc nỗi buồn riêng tư của từng người, và luôn tìm cách giúp đở trong khả năng có được. Tỉ mỉ, cẩn thận, sắp xếp khoa học trong phương pháp dạy học, sổ sách tài liệu. Nổi trội hơn cả là phong thái hào sãng, phóng khoáng, đậm chất hài hước chính gốc Nam bộ của Thầy. Đọc thư Thầy tôi vẫn còn nhớ như in tiếng cười sang sảng, chất giọng Sài Gòn rất tếu  của Thầy trong giờ Pháp văn. Lúc học trò trả lời sai, Thầy đưa hai tay lên trời: "Chèng đét ơi! Trời đất quỷ thần ơi! Tôi đầu hàng, mời anh hùng ra ngoài hiên đứng phạt!" Lúc học trò nói chuyện trong lớp thì "Đây rồi! Phát thanh trong lớp khi Thầy không gọi đến, ra đứng cho có bạn!" Chúng tôi bị đứng phạt ngoài hiên lớp vẫn cứ vui vẻ râm ran trò chuyện, vì biết chỉ chút nữa là Thầy thương tình cho vào học lại. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn còn nhắc nhở rồi cười vang về định nghĩa của Thầy cho lỗi Đi học trễ: "Đi trễ là vào lớp sau Thầy giáo". Vì vậy có bạn đến trễ, hoảng quá lấn Thầy suýt té để khỏi bị phạt! Giấy trắng làm bài tập nếu xé ẩu, "bị lủng bụng" cũng sẽ bị Thầy trừ điểm! Tuy nghiêm khắc như thế nhưng hầu như tất cả mọi thế hệ học sinh của Thầy đều rất kính yêu Thầy.
     Thầy có đôi mắt hiền từ, nhân hậu sau cặp kính cận dày cộm, miệng cười "móm duyên", dáng dong dỏng cao gầy, lưng hơi còng có lẽ vì phải xách chiếc cặp quá to quá nặng. Trong cặp này ngoài sách vở, tài liệu dạy học còn có đầy đủ hồ sơ sổ sách liên quan đến từng mỗi học sinh. Đầu năm học, Thầy yêu cầu mỗi học sinh viết cho Thầy một tờ "lý lịch trích ngang", nói lên hoàn cảnh sống, tâm tư nguyện vọng, được Thầy bảo mật tuyệt đối. Thầy thực hiện bảng đồ lớp có dán ảnh và chữ ký của từng học sinh để lưu niệm. Thầy trân trọng lưu giữ đầy đủ hình ảnh và sổ sách của tất cả thế hệ học sinh của mình, xem như là bảo vật của cuộc đời nhà giáo. Thầy nhắc lại rành rẽ cái tài cái tật của từng học sinh như là bộ nhớ điện tử! Chúng tôi còn nhớ một chi tiết vui vui là trong cặp của Thầy còn có cả búa, kềm, đinh, kim chỉ để Thầy sửa xe hư dọc đường và cho học sinh mượn khi guốc hoặc áo quần có "sự cố".
     Tính cách hài hước nhưng thấm đẫm nghĩa tình luôn bàng bạc trong mỗi trang viết Thầy gửi đến tôi. Đầu thư lúc nào Thầy cũng viết "Cố Đô - muôn thưở mơ buồn, trầm lặng, cổ kính và ... đại kẹt!". Bên cạnh là hình vẽ cầu Trường Tiền thiếu một nhịp (1991) và vài con đò lơ lửng trên sông Hương, kế đó là câu thơ "Thuyền vẫn nằm mơ trên sông lặng...". Sau nữa mới vào thư: "Mệ Trân thân mến" (đây là biệt danh Thầy tặng cho tôi vì những lúc bị phạt tôi vẫn vui vẻ, vô tư, tỉnh bơ như các Mệ con vua cháu chúa chốn Đế đô).
     Thầy luôn khuyên bảo, an ủi cô học trò nhỏ của mình phải biết giữ tâm hồn lạc quan, vui sống; phải cố gắng làm tròn bổn phận đối với tất cả mọi người, chớ buông xuôi bỏ liều khi gặp khó khăn, dẫu cho phải đi qua chặng đường nóng bỏng đến thế nào thì vẫn tin tưởng là ở đâu đó luôn có một một giếng nước trong mát dành sẵn cho ta, miễn là ta biết tìm đến bằng "con mắt của trái tim", một trái tim hướng thiện và nhân hậu. Tôi hiểu Thầy đang nhắc nhở đến Saint-Exupéry, nhà văn Pháp Thầy rất ái mộ từ xưa. Tôi hình dung Thầy đang đứng trên bục giảng 12C1 Đồng Khánh thưở nào, giảng cho chúng tôi những trích đoạn tuyệt vời trong "Hoàng tử Bé" hay "Bay đêm" của St. Ex., sau làn kính cận dày cộm, mắt Thầy như có ngấn nước long lanh khi nhắc đến cuộc đời tài hoa ngắn ngủi và tâm hồn đa cảm, nhân hậu của nhà văn bất tử này.
     Thư Thầy luôn tiềm ẩn nét tự trào hóm hỉnh. Thời kỳ khó khăn 1975-1990, lắm chuyện vui buồn dâu bể xảy ra, Thầy kể chuyện gian khổ như là chuyện đùa, cái bi hài cười ra nước mắt của Charlie Chaplin! "Trước năm 1975, Thầy 62 kí, nay còn 40 kí, lắm chuyện đau buồn dồn dập đã làm tôi biến dạng, lắm học trò cũ không nhìn ra tôi. Ra đường tôi thường nghe - Xin lổi, Bác có phải là Thầy Âu không? Trời ơi, con không nhìn ra Thầy, Thầy xưa kia to béo hơn nhiều! - Lần nọ tại bệnh viện nơi tôi đến chữa bệnh, một cô học trò nhìn ra tôi, vội vàng chụp lấy hai tay tôi và khóc ròng: Thầy ơi! Sao Thầy lại tiều tụy thế này? Tôi cười và nói tôi còn mạnh lắm, các anh chị không thấy trong kiếm hiệp có những người gầy mà nội công thâm hậu à. Nói vậy chứ anh chị đừng quảng cáo Thầy Âu, lỡ có ai muốn thử sức thì... đại mạt! Có vài người bạn cũ từ Bắc vào thăm thấy hình tôi (chụp chân dung trước 75) hỏi: ai vậy? Tôi trả lời: Cháu của tôi. Có nhiều người quở mới trên 70 mà ròm quá, nên tôi nảy ra ý tếu nói rằng mình trên 80, thế là họ khen trông Bác còn phong độ quá. Nói láo mà không hại ai, cứ tếu cho vui! Thật sự, tôi chỉ 73 nhưng thân già hơn 80, còn trí óc tinh thần buồn tình đời nên hơn cụ 90!.."
     Nổi bật trong những lá thư nay đã ố vàng, cũ kỹ là tình cảm dạt dào dành cho các học trò cũ lâm vào cảnh nghèo khổ, khốn cùng, sa cơ thất thế.
     "Làm sao Thầy không xúc động khi thấy có những học trò cũ quá vất vả, làm nghề dứt cháo (giáo chức) thiếu trước hụt sau, làm thêm nghề tay trái vẫn không đủ ăn. Tôi đã từng gặp lại vài anh học trò cũ đạp xích lô, xe đạp thồ, áo quần rách nát, vài cô học trò cũ phải buôn gánh bán bưng thân cò lặn lội.
     Có nhiều đêm mưa lúc nào tôi cũng không hay, tỉnh giấc chỉ nghe tiếng rào rạt thì thầm... phải chăng đó là tiếng khóc của những người nghèo, thất thế, cô đơn? Trời thì xanh nhưng cao quá! Cổ họ yếu hơn cổ bình vôi... nào ai có thèm nghe, thôi thì cứ âm thầm khóc...
                     Nửa đêm tỉnh giấc nhìn mưa gió
                     Nghiêng trở bên nào cũng thấy đau..."
     Từ 1991 và vài năm sau đó tôi luôn thư từ liên lạc tạo niềm vui cho Thầy lúc tuổi già. Vắng thư tôi, Thầy lại viết vào than thở: "Sao lâu quá rồi Thầy không có thư của Mệ, hỏi vậy chứ Thầy không trách Mệ, vì dư biết tại nước Đại Cồ Việt ta từ bé con cho đến cụ già ai cũng bận cả, Thầy không dám trách Mệ, nhưng Thầy có trông thư Mệ!"
     Tháng 9 năm 1993, tôi ra Huế chịu tang ba tôi, qua thăm Thầy Cô, tủi thân tôi không nói được gì chỉ khóc. Thầy cầm tay tôi vỗ về, ngân ngấn nước mắt, luôn miệng nói "tội nghiệp Mệ quá!" Thầy đang bệnh, tôi có can ngăn Thầy đừng sang thăm đám Ba tôi nữa, nhưng rồi Thầy vẫn ngồi xích lô, áo veston trang trọng, tay chống gậy lần dò sang nhà tôi, đi quanh quan tài Ba tôi nói lời vĩnh biệt, tôi khóc ròng. Tiễn Thầy ra về, Thầy cầm tay tôi bịn rịn không rời, tôi đâu ngờ rằng đó là cái nắm tay cuối cùng, là lần gặp Thầy lần cuối vào một chiều mưa ảm đạm xứ Huế suốt đời tôi không thể quên. Thời gian sau đó Thầy bệnh ngày một nặng, không thể ngồi viết thư cho tôi, riêng tôi vẫn đơn phương viết gởi cho Thầy, chỉ mong Thầy kính mến có được chút an ủi trên giường bệnh. Tháng 9-1994, thư tôi đã không còn người vui mừng đón nhận. Trái tim đức hạnh của Thầy tôi đã ngừng nghỉ. Đó là một chiều mưa Sài Gòn có ít tình thương hơn, có ít lòng trắc ẩn hơn và có ít ánh sáng nhất trong đời tôi!

Hồ thị Nam Trân
Cựu học sinh Đồng Khánh
Niên khóa 1969-1972