Trang Kỷ niệm



Khóc Thầy
An Tâm thay mặt cựu học sinh Đồng Khánh Huế
đọc lời vĩnh biệt Thầy Phạm Kiêm Âu tại nhà riêng, trong buổi lễ viếng Thầy 12/09/1994

Mấy hôm nay, trời Huế chìm trong những cơn mưa buồn ảm đạm như chính lòng chúng con đang thổn thức trước tin Thầy vĩnh viễn đi xa…
Sinh tử là lẽ thường, nhưng trước sự mất mát lớn lao này, chúng con không khỏi bàng hoàng đau xót.
Nhớ Thầy xưa,
Người thanh niên nhiệt tình yêu nước. Tổ quốc, nhân dân mình chìm trong thung lũng đau thương. Với dòng máu bất khuất của người dân Nam bộ luân lưu trong huyết quản, Thầy đã có mặt trong các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. Trong ngục tù tăm tối, Thầy vẫn sáng lên phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng (1). Ra khỏi lao tù, Thầy bị buộc phải rời xa luôn nơi chôn rau cắt rốn - mảnh đất Cần Thơ yêu dấu - để về với Huế, nhận Huế làm quê hương ruột thịt với mình.
     Từ đây, Thầy đã chọn giáo dục như là một mặt trận và mình là chiến sĩ. Gần 40 năm trên bục giảng, Thầy là tấm gương sáng, là vì sao cho tất cả mọi Thầy cô và học sinh ngưỡng mộ. Với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, với tâm hồn nhân ái, bao dung, với phong cách làm việc miệt mài, tận tuỵ hiếm có của Thầy, nhiều thế hệ học sinh đã lớn lên, trở thành người hữu dụng. Với chúng con, Thầy vừa là một nghiêm đường, vừa là một hiền mẫu. Thầy không hề bỏ qua mà nghiêm khắc uốn nắn từng thói hư, tật xấu của chúng con. Và Thầy cũng rất ân cần, quan tâm trước những hoàn cảnh khó khăn của từng em học sinh với tình mến thương sâu sắc. Riêng bản thân con, con thấy mình sung sướng vô bờ khi được tắm mát trong suối nguồn thương yêu mà Thầy đã dành cho con, mãi mãi không bao giờ phôi pha trong tâm trí những điều Thầy dặn dò con trong nhiều lá thư Thầy viết cho con. Ôi, Thầy đã dành cho con tấm lòng người mẹ! Thầy đã để lại trong chúng con những ấn tượng vô cùng cao cả và đẹp đẽ về hình ảnh một người Thầy. Xã hội chưa hề phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho Thầy, nhưng tận trong tâm não chúng con, muôn ngàn lần Thầy xứng danh hiệu đó. Miệt mài trong biết bao năm tháng, Thầy chỉ đổi lấy một đời sống thanh khiết và ngày Thầy từ giã phấn trắng, bảng đen với hai buồng phổi đầy cả vi trùng, Thầy không một lời thở than, ân hận. Phẩm chất đạo đức của Thầy đã làm xúc động chúng con, đã khơi dậy trong sâu thẳm của lòng mình một niềm biết ơn, kính yêu vô hạn.
     Nay Thầy đã đi xa! Một vì sao Khuê đã tắt trên nền trời giáo dục! Chúng con mất đi một người Thầy vô cùng thân thương và kính trọng.
     Ngày mai, Thầy đã nằm yên trong lòng đất lạnh, thân xác sẽ tiêu hao thành tro bụi nhưng hình bóng, tình thương và đức hạnh của Thầy vẫn mãi sống trong lòng tất cả chúng con. Hương linh Thầy sẽ thanh thoát cùng gió núi, mây ngàn vì Thầy đã trọn vẹn một đời sống đẹp với gia đình và xã hội. Ra đi vào cõi vĩnh hằng, Thầy để lại cho người thân và tất cả môn sinh của Thầy một trời nhớ thương, luyến tiếc.
     Được xúm xít bên Thầy phút cuối, chúng con đau đớn, nghẹn ngào xin cúi lạy Thầy – vĩnh biệt!

(1) Thầy Phạm Kiêm Âu quê ở Sađéc, Cần Thơ, tham gia phong trào yêu nước chống Pháp từ năm 1936 cùng trong nhóm với Giáo sư Hà Huy Giáp, Tam Ích… Thầy đã từng bị bắt, bị tù. Khi Pháp tái chiếm Nam bộ, Thầy tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh đô thị tại Saigon, sau cuộc đàn áp sát hại học sinh Trần văn Ơn, Thầy bị bắt và bị trục xuất khỏi Nam bộ năm 1950, bị đưa ra an trí tại Đồng Hới, đầu năm 1954, Thầy mới về Huế và được dạy học ở Trường Đồng Khánh, thời cô Đào thị Xuân Yến (bà Nguyễn Đình Chi) làm Hiệu trưởng. 

ĐỒNG KHÁNH MÁI TRƯỜNG XƯA - 1997

Đặc san kỷ niệm 80 năm thành lập trường