Trang Kỷ niệm


Huế ! "Tôi chọn nơi này làm quê hương"
Nguyễn Hữu Thứ

Tôi xin thành kính gửi bài nầy đến hương hồn Thầy Phạm Kiêm Âu, cựu giáo sư Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế, đã vĩnh viễn ra đi hôm 10-9-1994 tại Huế.
     Huế không phải là một thành phố rộng, từ đông (Thọ Lộc), đến tây (Phường Đúc), từ nam (An Cựu) đến bắc (An Hoà) khoảng cách chỉ dưới 10 km. Huế cũng không đông dân lắm, sau 975, phạm vi được nới rộng (thêm Phường Đúc,Vỹ Dạ), dân số cũng độ 250.000 người. Khí hậu Huế cũng không hiền hoà, lúc nực mà có gió Lào thì quá nực, lúc mưa dầm, có lúc kéo dài nhiều tuần và năm nào cũng có bão lụt. Dân Thừa Thiên-Huế nghèo làm cho Phạm đình Chương viết một câu thê thảm: "Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn".
     Thế mà, năm 1956, lúc đoàn cầu thủ trẻ, đẹp, đá hay của Câu lạc bộ Thể thao Vienne (Wiener Sport Klub) dưới sự hướng dẫn của Bs R.Hanuch, đến đấu hai trận ở cố đô thì những người Áo khen Huế quá cỡ và cho rằng Sông Hương đẹp hơn Sông Danube của Âu Châu.
     Cuối thập niên 80, Bà Catherine Deneuve (sinh năm 1943), tài tử chiếu bóng Pháp đến Huế để đóng cuốn phim Indochina (cuốn phim được giải Oscar năm 1992 về phim ngoại quốc xuất sắc nhất), bà quá khen Huế, bà cũng xác nhận việc đó lúc các phóng viên Pháp, đặc biệt của tờ Observateur phỏng vấn bà.
     Cho nên, lúc thầy Phạm Kiêm Âu khẳng đinh với tôi: "Huế! Tôi chọn nơi nầy làm quê hương!", tôi ít ngạc nhiên.
     Nhưng vì sao Thầy chánh quán ở Sadéc lại ra miền Trung và thật sự những gì đã làm cho Thầy chọn Huế làm quê hương thứ hai và làm Thầy đã sống ở đó hơn nửa đời người?

Đồng Hới 
     "Ngọn gió nào đã đưa Thầy Âu từ Nam ra Huế?". Có hai ngọn gió đã đưa Thầy Âu đi xa như vậy.
     Ngọn thứ nhất "đẩy Thầy" từ Sài Gòn ra Đồng Hới. Đó là vụ nam sinh Trần văn Ơn đã bị chết oan ở Sài Gòn, gây ra phong trào phản đối dữ dội ở trong Nam và nhiều thành phố do chính quyền quốc gia kiểm soát. Thầy Âu bản tính hiền lành nhưng là một trong những người phản đối hăng nhất. Thầy bị đưa ra Đồng Hới an trí cùng một người bạn là kỹ sư Cường. Chỉ định cư trú là một biện pháp hành chánh, không có một bản án của bất cứ cơ quan tư pháp nào. Cho nên Thầy và ông bạn muốn ở đâu trong thành phố Đồng Hới cũng được, thân nhân có thể đến thành phố thăm dễ dàng. Hai ông thuê một nhà ở ngay phố chính, chủ nhà là ông Trần Khánh Em.
     Thành phố Đồng Hới bé, nằm trên Sông Nhật Lệ, gần biển, cảnh trí đẹp, dễ thương, dân tình hiền hoà. Thầy Âu và ông Cường đều là những nhà trí thức, vui tánh, cởi mở nên chăng mấy chốc, hai người được cảm tình của nhà cầm quyền và của dân địa phương.
Đời sống hai ông càng ngày càng vui. Ông Cường vui tính, mê quần vợt. Ở thành phố bé như Đồng Hới mà cũng có sân quần vợt với những tay chơi có địa vị, có khả năng như các ông Hà Như Hy, Trương Tiếu Để thời đó là vô địch đôi Trung phần. Các ông hay nhậu bia; rượu vào, các ông đùa, bầu ông Cường làm "tù trưởng" để có thể đi đôi với các cây vợt khác giữ chức trưởng ty, lục sự... Ông Cường vui vẻ nhận chức mới.
     Thầy Âu lại vui về chuyện khác. Ở Đồng Hới, có trường Trung học Đệ nhất cấp công lập mới khai giảng, hiệu trưởng chính là Gs Hà Như Hy (bào đệ của Gs Hà Như Chi). Có một trường Trung học Đệ nhất cấp tư thục có đến lớp Đệ tứ lấy tên là Trường Chơn Phước Phượng (vị tên tử vì đạo), Hiệu trưởng là Sư huynh Laurent. Trường mời Thầy Âu dạy Toán. Chẳng bao lâu, Thầy nổi tiếng là dạy giỏi, nghiêm. Trong những học sinh cũ của Thầy ở Đồng Hới, có anh Trần Quí Phiệt hiện đang làm Trưởng ban Anh văn tại Schreiner College ở Kerrville, Texas ở phía Tây của Houston. Trong bức thư đề ngày 22-10-1994 gửi cho tôi, anh viết:
     "Được tin Thầy Âu mất..., con, một trong những học sinh đầu tiên của Thầy ở Trường Chơn Phước Phượng, xin ghi lại mấy dòng sau đây gọi là tưởng nhớ đến Thầy.
Con nhớ được học môn Đại Số với Thầy vào năm 1952. Theo lời Thân phụ con và các sư huynh dạy Chơn Phước Phượng (thành lập năm 1900), Thầy bị đưa ra Quảng Bình an trí vì đã tham gia phong trào ủng hộ Trần văn Ơn. Tuy Thầy rất kín đáo về đời tư... và trông Thầy lúc nào cũng trầm tư, nhưng lúc Thầy vui Thầy nói với chúng con là trong Nam học sinh... "biểu tình rần rần...".
Trong số các giáo sư dạy chúng con hồi đó, con (và có lẽ các bạn cùng học với con) thương Thầy nhất... bài giảng Thầy dễ hiểu đến độ con là học sinh dốt toán nhất cũng làm bài được nhiều điểm...".
     Sau Hiệp định Genève, anh Phiệt vào học ở Quốc Học, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế, sau đó anh đỗ tiến sĩ năm 1977 tại Đại học Texas, bạn đời anh, chị Võ thị Ngân là cựu nữ sinh Đồng Khánh.
     Thầy Âu lại có chuyện vui thứ hai: lập gia đình với chị Trần thị Mỹ Đàn, con một nhà giáo, có chị là Kim Quật kết hôn với Gs Đinh Qui sau nầy làm Hiệu trưởng trường Quốc Học. Một em của chị là Gs Trần Tuệ, hiện ở nam Cali. Chính cuộc hôn nhân tiền định ấy là "ngọn gió" thứ hai đã đưa Thầy đến với xứ Huế thân yêu của chúng ta.

Huế
     Sau một thời gian, Thầy cùng gia đình ổn định ở 48 đường Lê Lợi, Huế. Nhà nầy ở ngay trước Khách sạn Hương Giang II, hạng 3 sao. Nhà tôi ở gần Ks Hương Giang I, chỉ cách Thầy... "vài phút" xe. Viết "vài phút" cho vui, theo cách tính ở Bắc Mỹ, chứ sau 1975, làm gì có xe mà đi. Vì gần, tôi hay đến thăm Thầy Âu sau khi đi học cải tạo 5 năm rưỡi ở vùng A Sau, ở Bình Điền. Thầy cũng hay đến thăm tôi. Tuy lớn tuổi, tóc bạc, thưa, Thầy tự đặt cho lệ cứ mỗi tháng một lần, đến tiệm hớt tóc của cụ Hối, gần tiệm Phở Yến, đầu đường Nguyễn Công Trứ, có tên bình dân là Chợ Cống. Đến hớt tóc để có cơ hội trả cho cụ Hối một vài ngàn đồng V.N. và để ghé vào nhà tôi nói chuyện phiếm...
     Ai tiếp xúc với Thầy Âu ít lần đều nhận thấy ngay, như anh Trần Quí Phiệt nói, rằng Thầy Âu kín đáo, tế nhị, có vẻ trầm tư nên, tuy nói chuyện với Thầy nhiều, sau 1981 và trước 1991, tôi ít hỏi về chi tiết nên trong bài nầy, nhiều chỗ tôi chỉ lướt qua.
     Về Huế, Thầy nói: "Tôi chắc ai đến Huế lần đầu đều có một sự ngạc nhiên nào đó, chưa rõ vì sao, ở chỗ nào. Tôi cũng vậy, thấy Huế không giống một thành phố nào của Việt Nam. Đồng Hới, Sài Gòn cũng có sông song không giống Sông Hương Huế. Sông nầy không quá lớn để gây một ấn tượng đè nặng. Nước chảy mà như không chảy, sợ làm mất vẻ yên lặng của môi trường. Nước sông quá trong để có thể phản ảnh trung thực thiên nhiên và người. Tôi nghĩ mãi không tìm ra một thành phố nào - dầu chỉ trong sách vở - giống Huế.
Đồng Hới cũng có thành luỹ theo lối Vauban song nội thành bé quá. Thành quách ở Huế qui mô hơn và có lẽ chia trung tâm thành phố ra hai phần: một bên dành cho người thường, một bên - ở thành nội - dành cho những người cần được che chở riêng. Tôi có cảm tưởng thế, trong thực tế, có lẽ khác.
     Đặc biệt, con Sông Hương đoạn từ Cồn Dã Viên đến Đập đá xem như chỉ có một cầu điển hình, Cầu Trường Tiền, chứ Cầu Dã Viên hầu như núp bóng Cồn cùng tên nên không thấy rõ. Từ giữa Cầu Trường Tiền nhìn về phía Tây, Tây Nam, cảnh trông có khác gì một bức tranh thủy mặc mà người Đông Á - từ Nhật qua Cao Ly đên Trung Quốc, Việt Nam thích vẽ. Này: xa về phái Tây là mờ mờ Dãy Trường Sơn, chỗ cao, chỗ thấp- gần hơn một tí là Núi Kim Phụng sau lưng Lăng Minh Mạng, gần tí nữa là Núi Thiên Thai, Núi Ngự Bình. Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn hay Đà Nẳng, Nha Trang có được như vậy không?
     Trong thành phố ngăn nắp, tìm một điểm mốc lại quá dễ. Như ở Hữu ngạn Sông Hương, từ Cầu Ga về Đập Đá, có hai Trường Quốc Học, Đồng Khánh, Khách sạn Morin, Toà Khâm cũ. Về phía nam hơn một chút là Truờng Jeanne d'Arc, Providence... Hỏi chỗ ở, người ta hỏi tới là Bệnh Viện, Dòng Chúa Cứu Thế, Cung An Định, hay Chùa Diệu Đế, Chùa Bà, Trường Gia Hội, Trường Hàm Nghi...là người muốn biết, xác định vị trí dễ dàng. Người Huế bảo thủ, chỉ thay đổi chỗ ở lúc quá cần. Chính việc tìm chỗ ở dễ dàng nên người Huế dễ quen nhau, thân nhau. Dễ thân nhau thì không nỡ có những hành vi thiếu đạo đức, thiếu thẩm mỹ đối với nhau... Tôi mới dạy ở đây độ dăm năm mà quen gần hết các giáo sư trung đại học ở đây. Vì thế tôi nghĩ sẽ ở mãi tại Huế. Năm nào tôi cũng về ít nhất một lần thăm chị, bà con ở Sadéc, nhưng tôi nhất định chọn Huế làm quê hương..."
     Không phải Thầy Âu độc thoại như tôi ghi trên. Trong mươi năm rảnh rỗi, tôi nói chuyện với Thầy nhiều lần; tôi chỉ tóm tắt những ý của Thầy, không rõ lời thành thật hay lời dùng một cách lịch sự. Thầy nói nhiều về Huế hơn nữa, nhưng tôi chỉ tóm tắt.
     Về người Huế, Thầy khen hơn là chê; cái đó cũng có thể hiểu: Hạng người mà thường gặp Thầy thuộc hạng trí thức, đàng hoàng, những hạng người khác, Thầy chỉ nhìn bề ngoài.
     Thầy nói: "Dân Huế và dân Nam của tôi có nét không giống nhau. Chung ra người Nam đơn giản, bộc trưc, nghĩ sao nói vậy, ít giữ gìn. Người Huế không giàu song ăn mặc cẩn thận, lời lẽ đắn đo, tế nhị, cư xử quá đẹp. Trường Quốc Học có ban tú tài (trung học đệ nhị cấp) từ 1936. Đồng Khánh ra đời sau Quốc Học 24 năm, nên cũng có trung học đệ nhị cấp, đến 25 năm sau. Cho nên, tôi chưa có cơ hội dạy nam sinh ở ban tú tài. Thế mà các giáo sư trung, đại học gặp tôi vẫn tỏ vẻ kính nể. Tôi nghĩ rằng ở xã hội Huế, chuyện "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" là phổ thông. Song, trong thâm tâm, tôi lấy làm hãnh diện và xin thú thật, tôi càng cố gắng hơn nữa để cho xứng đáng với cách đối xử quá đẹp của người Huế."
     Về phái nữ, Thầy cũng có nói đến, dùng lời rất nhỏ, đủ để hai người nghe, lâu lâu lại liếc mắt vào phòng gần đó. Thầy nói: "Ở đâu cũng có người đẹp, nhưng chung ra, người Huế về phái nữ đẹp đều có phong cách rất đặc biệt, thảo nào có câu: Học trò trong Quảng ra thi, Thấy cô gái Huế chân đi không rời". Tôi mỉm cười, nói: "Có lẽ anh thương mà nói thế vì hình như câu đúng là: "Thấy trò trong Quảng ra thi, Các cô gái Huế chân đi không rời..." Thầy "nổi sốt" lên, nói: "Anh mà xuyên tạc thế, các cô ở đây sẽ xin anh tí huyết. Tôi tình nguyện bổ túc bằng câu: Giám khảo mà đến chấm thi, Thấy nữ sinh Huế chân đi không rời..."
     Hai câu sau nầy, Thầy nói rất nhỏ, lấy tay phải che miệng và mắt lại liếc vào phòng bên cạnh. Tôi thấy vậy, liền nói: "Anh cho phép tôi tặng anh cái biệt hiệu Ông già bí mật." Thầy đáp ngay: "Anh chậm rồi, tôi vào Huế độ mười năm thì bạn đã quá đông, có người tới thăm, thấy tôi nói lúc úp lúc mở, khi to khi nhỏ đã gọi tôi là Ông già bí mật rồi." Tôi nói cho đỡ trẻn: "Les grands esprits se rencontrent..."

Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh
     Tôi không dạy ở Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh nên không rõ Thầy dạy hay đến mức nào, lòng kính mến của các đồng nghiệp ra sao, sự cảm phục của các nữ sinh lớn chừng nào. Cái đó, xin để các giáo sư, nữ sinh Trường viết. Tôi chỉ tóm tắt các câu chuyện mà Thầy Âu và tôi trao đổi. Thầy nói:
"Tôi muốn dạy toán ở các lớp đệ tứ (lúc đó là lớp cao nhất trường) và đã soạn bài kỹ cùng nhiều bài tập để thay đổi. Nhưng trường cần giáo sư Pháp văn thì tôi dạy vậy. Lúc đầu, tôi làm công việc như một giáo sư có tinh thần trách nhiệm thường; nhưng với thời gian, tôi mến Huế quá, thương học sinh nên đem cả tâm hồn mà dạy.
Ở Sài Gòn, tôi cũng đi dạy và học sinh thời đó chưa lộn xộn như sau nầy, song số học sinh thiếu kỷ luật đã làm nhà giáo nản chí rồi. Ở Huế, học sinh có vẻ ngoan ngoãn, dễ bảo quá. Cuối thập niên 50, xem xong cuốn phim "Bầy thú trước bảng đen" (1), thấy học sinh quá mất dạy, đi học mà đem dao theo rồi định dùng nó mà giết thầy thì thấy nghề "bán cháo phổi" đáng thương quá. Cũng may, các cảnh bạo động đó chưa xảy ra.
"Tôi hay suy nghĩ đến câu "Giáo bất nghiêm, sư chi đoạ", nếu kết quả giáo dục không tốt, chắc chắn giáo sư phải có trách nhiệm phần nào. Cho nên, tôi lợi dụng việc dạy ở một trường nữ (nếu là trường nam, phải tìm phương sách khác), và lợi dụng việc nữ sinh hiền hậu, tôi đặt nguyên tắc rồi triệt để thi hành:
     - Không đi trễ. Nói thế chứ có cô nữ sinh nói rằng bị ngỗng đuổi, xé rách áo, vô lẽ mặc đồ rách đi học, nên về nhà thay, đến trễ. Tôi xây mặt cười thầm rồi cũng cho vào lớp.
     - Ra bài là phải làm.
     - Đến đoạn nào, phải xuống dòng, lúc ấy, viết vào khoảng cách nào...
... Cho nên có người bảo tôi là "maniaque" (kỳ cục), nhưng tôi không làm khác được."
     Tôi nói đỡ lời: "Mỗi người có một phương pháp riêng, miễn hữu hiệu là được. Như hai giáo sư Nguyễn Dương Đôn, Ưng Quả, không bao giờ phạt ai một giờ cấm túc, không cho ai số không hay nói một lời nặng nữa mà học sinh giỏi. Cũng nên nghĩ rằng lúc ở ghế nhà trường thì bực mình, không thích thầy quá nghiêm mà lúc ra đời, cám ơn thầy mãi. Như giáo sư Phạm đình Ái, quá nghiêm, có lẽ ít khi cười với học sinh. Thế mà ai ra đời cũng trở lại phục Thầy Ái."

Sau ngày 30-4-1975
     Sau khi chế độ miền Nam sụp đổ, số người ở Huế ra ngoại quốc ít vì điều kiện khó. Cho nên, số giáo sư, dầu không vào đảng phái nào, làm gì về chính trị cũng đi phải đi cải tạo, bị sa thải, thuyên chuyển làm nghĩa vụ vùng núi, vùng biển nhiều. Tôi đi cải tạo lúc đầu ở Ba Lạch, vùng A Shau, sau ở vùng Bình Điền, trong năm năm rưỡi. Lúc về, bạn bè đến thăm dè dặt, tôi đợi hơn hai năm mới có quyền công dân, nên ít đi đâu. Nhưng tôi có đến thăm Thầy Âu vì nghe nói sức khoẻ Thầy kém. Tôi cũng rất dè dặt, sợ làm phiền Thầy mà cũng sợ cho mình. Tôi thấy Thầy cũng có ý tâm sự mà các chuyện nói đến chẳng đâu vào đâu nên tôi vẫn tới thăm Thầy đều đều; Thầy cũng ghé thăm tôi lúc đi hớt tóc như đã kể trên.
     Thầy cho biết không phải đi cải tạo, vẫn được tiếp tục dạy. Hơn nữa, có mấy lần ông Phạm văn Bạch, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Hà Nội và là thầy cũ, hỏi Thầy có muốn làm Trưởng Ty Giáo Dục Bình Trị Thiên không; nếu muốn, ông đề cử là được. Thầy từ chối và nói với tôi rằng dạy là làm một công việc chuyên môn, làm Trưởng Ty là đảm nhận một công việc chính trị. Bạn bè đi cải tạo nhiều quá, mình làm Trưởng Ty xem ra thế nào. Đồng nghiệp đã quá đẹp với mình mà.
Sau đó, Thầy bị yếu phổi, phải vào bệnh viện một thời gian. Lúc Thầy ra viện, tôi đến thăm lại, Thầy xúc động nói: "Công chức trông về tiền hưu do mình để dành. Nay hưu không ra gì mới thấy học trò cũ quá tốt. Ở gần, học trò đến thăm, biếu thầy quà. Ở xa, gửi thư về, giúp bằng mọi cách...". Tôi nghe giọng Thầy hơi khác, nhìn qua, thấy Thầy rưng rưng nước mắt, tôi bèn xây mặt vào phút tế nhị đó.
     Sức khoẻ đỡ hơn, Thầy có tham dự các bữa ăn tổ chức theo yêu cầu của các bạn hải ngoại như ngày 12-3-89 tại nhà hàng của anh Hoàng Xuân Minh, ngày 20-4-91 tại nhà chị Huy Hoàng, ngày 28-4-91 tại nhà Gs Cao Xuân Duẩn; hai bữa tiệc ngày 13 và 14-10-91 tại nhà tôi, 9/3 Nguyễn Công Trứ, ít hôm trước khi tôi rời Huế để vào Sài Gòn, để đáp máy bay đi Canada. Sau đó, Thầy có tham dự bữa ăn do Gs Nguyễn Ký, nguyên Hiệu Trưởng Trường Quốc Học yêu cầu, tổ chức ngày 31-5-1992 cũng tại nhà Gs Cao Xuân Duẩn.

Đoạn kết
     Lần cuối cùng tôi gặp Thầy Âu trước khi rời Việt Nam là hôm 14-10-91 lúc các bạn cựu Đồng Khánh tổ chức bữa tiệc tiễn chân ngay tại nhà tôi, gần Ks. Hương Giang I. Hôm trước, các bạn cựu Quốc Học cũng tổ chức một buổi họp mặt tương tự và Thầy Âu cũng có đến dự.
     Lúc chia tay ra về, tôi xúc động không nói gì tuy vẫn nhìn kỹ Thầy và Thầy cũng gần như vậy. Chúng tôi đã lớn tuổi cả; có hy vọng tái ngộ không? Ai sẽ đi trước?
     Vài ngày sau, gia đình tôi vào Sài Gòn, đáp máy bay hôm 4-11-91. Qua Canada, phương tiện liên lạc còn lại là thư. Về thư, có dịp Thầy Âu đã tỏ quan niệm với tôi; Thầy nói: "Tôi có cô gái lớn theo chồng qua Manchester, Anh. Tôi nghĩ người đi mong các tin tức gia đình, quê nhà; người ở lại mong biết những gì xảy ra cho người thân ở xa...". Tôi cũng nghĩ như thế. Thầy Âu nói thêm rằng Thầy viết chữ nhỏ, chừa lề ít, mỗi đoạn đều có đánh số, dành cho một ý chính, ghi lại những ý đã nói, khỏi lập lại. Không thể viết thư kiểu Madame de Sévigné (2).
     Tôi viết thư đều cho Thầy, người có kiến thức tổng quát rộng nên viết thư cho Thầy dễ, con cà, con kê, con dê, con ngỗng, đủ cả chỉ trừ hai lĩnh vực chính trị và thể thao. Thầy hồi âm tỉ mỉ, trong nhiều thư, Thầy thuật lại chuyện đến hớt tóc ở tiệm cụ già Tôn thất Hối, gần Phở Yến, rồi vào đến cửa nhà tôi, đứng dăm ba phút nhìn vào vườn, các cây mít, vú sữa, bồn hoa gần đó, tôi và Thầy hay ngồi nói chuyện... Chi tiết bình thường đó làm tôi xúc động mà thương người bạn phương xa lắm.
     Mùa Xuân 94, tôi nhận được một thư của anh Lê Quân Thụy nói rằng để ý viết thư cho Thầy Âu vì ngại sẽ không còn cơ hội để viết nữa. Anh đã hơi lâu vắng thư Thầy, cũng đâm ra lo. Bỗng vào trung tuần tháng 9-94, chị Quế Hương điện thoại cho biết rằng thầy Âu đã qua đời lúc 23 giờ rưỡi ngày 10-9-1994 tại tư thất, 48 đường Lê Lợi, Huế.  
     Sau đó, thư từ quê nhà cho biết các chi tiết: Sau 1975, sức khoẻ thầy sút giảm rõ rệt. Đầu thập niên 80, Thầy yếu phổi, phải nhập viện một thời gian, sau đó xuất viện lúc bệnh có phần thuyên giảm. Cuối xuân năm 1994, Thầy quá gầy song chưa tìm ra bệnh rõ ràng nên Thầy chỉ nhờ một số bác sĩ tới nhà săn sóc, các bác sĩ Xuân Quế, Hải Thuỷ, Lịch, Thành. Vì sức khoẻ Thầy quá kém nên ai đến thăm chỉ ghi tên và viết gì muốn Thầy đọc, chỉ trừ một số ít người như chị Tôn Nữ Như Ngân (cựu học sinh hai Trường, cựu giáo sư Triết Trường Quốc Học), anh Võ Đăng Nam (cựu học sinh Quốc Học, cựu giáo sư Toán Trường Đồng Khánh)... Chị Như Ngân, trong thư đề ngày 1-10-94 viết: "Lúc Thầy Âu đau nặng, con có qua thăm Thầy được năm lần, lần nào Thầy cũng cho vào một bên để thì thào những lời muốn nói nhiều về cuộc sống sắp tới. Mỗi lần thế thì con lại khóc ròng và ra phòng ngoài ngồi với cô Âu, an ủi thương mến để cô đừng khóc. Thật là mâu thuẫn: con thì khóc mà dặn cô đừng khóc..."
     Trong thư đề ngày 7-11-94, anh Võ Đăng Nam viết: "Con không thể nói lên được nỗi đau buồn của con lúc thấy Thầy ốm quá, nằm co lại!...".
     Giữa tháng 8-94, Thầy khó thở, lại bí tiểu, các Bs. Hải Thủy, Thành đưa Thầy vào bệnh viện, song các bác sĩ nói rằng Thầy yếu quá, không dùng siêu âm hay biện pháp khác được, nên để Thầy nằm ít hôm rồi người nhà đưa về lại. Lúc bấy giờ sức khoẻ Thầy giảm quá nhiều.
Ngày thứ hai 5-9-94, Bs. Lịch khám kỷ lại, cho gia đình biết rằng Thầy chỉ sống được độ dăm ngày. Anh Tuấn, trưởng nam, lên tin anh Võ Đăng Nam hay. Hôm đó lại là ngày khai giảng. Sau buổi lễ, anh Nam đi tin một số bạn rõ: anh Châu Trọng Ngô, các chị Bích Đào, Thu... Các bạn họp tại nhà chị Bích Đào, vài người họp với anh Tuấn để bàn về hậu sự. Cho nên lúc Thầy trút hơi thở cuối cùng khuya thứ bảy 10-9-94, các chuẩn bị về tinh thần, về vật chất có thể nói là đã gọn gàng. Trong những ngày cuối của đời Thầy, bạn, môn sinh thay nhau săn sóc. Lúc Thầy ra đi, họ giúp đỡ gia đình trong mọi giai đoạn, từ tẩm liệm, thành phục đến tiếp tân, tang lễ, gì cũng chu đáo, rất cảm động.
Ngày 12-9-94, công cuộc phúng điếu bắt đầu. Trong hai ngày, nhiều đoàn thể công (Viện Đại học, Bệnh viện, cơ quan hành chánh địa phương...), bạn bè, môn đệ... đến viếng rất đông. Riêng hai Trường Quốc Học và Đồng Khánh cũ có ba lễ:
     - Cựu học sinh Đồng Khánh, bà Nguyễn Đình Hàm chủ lễ, chị Nguyễn thị An Tâm đọc điếu văn, các cựu nữ sinh vào lễ từng toán nhỏ.
     - Thân hữu trong, ngoài nước, môn sinh hải ngoại do anh Châu Trọng Ngô chủ lễ, chị Nguyễn thị Thu, nguyên Giám học, đọc điếu văn kết thúc bằng đoạn: "Người xưa thường nói "Sinh là ký, tử là qui", sống chỉ là gửi, chết mới thật là về, là đi về, một chuyến đi về vĩnh viễn.
     Vĩnh biệt Thầy! Tiếc thương Thầy! Tất cả anh chị em chúng tôi hiện diện ở đây cũng như đang ở phương trời xa xin đốt nén hương lòng, nguyện cầu cho Thầy ra đi thanh thản, yên nghỉ thanh thản, mãi mãi và mãi mãi thanh thản trong cõi vĩnh hằng."
Rồi các bạn vào lễ trước linh cữu, nhiều người không giữ nổi giọt lệ. Trong những người vào lễ, có hai cựu Khoa trưởng - các anh Nguyễn Đức Kiên, Dương Đình Khôi, chị Hiệu trưởng cuối cùng của Trường Đồng Khánh - chị Phan thị Bích Đào và hầu hết các giáo sư, nhân viên Trường còn ở lại Huế.
     - Thân hữu, môn sinh Trường Quốc Học do anh Châu văn Tăng chủ lễ, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc điếu văn trong đó có đoạn "... Mỗi người trong chúng con đều giữ rất nhiều kỷ niệm riêng về Thầy và tất cả họp lại thành dung nghi rạng rỡ của Thầy: một nhà giáo dục hiểu biết sâu rộng về nghề nghiệp của mình, một vị Thầy đòi hỏi nghiêm khắc nhưng đầy lòng từ ái đối với học trò, một nhân cách trí thức biết giữ bản lĩnh không thay đổi trong mọi hoàn cảnh, làm gương soi chung cho hậu bối. Cả trong những thời kỳ thử thách gay gắt nhất đối với số phận trí thức, lòng chúng con tràn đầy tự hào khi nhìn về chốn hạnh đàn, nơi đó hình ảnh Thầy vẫn ung dung sáng lạn như là Trúc biếc Ngô xanh..."
     Lễ đưa đám được cử hành ngày 14-9-1994, trời tốt vì nắng mà mát. Người đến tiễn Thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng rất đông. Riêng các thân hữu Trường Đồng Khánh, sau khi linh cữu được đặt lên xe, họ dùng phương tiện riêng đi lên trước, để đứng hai bên đường vào cổng. Lúc xe tang đến trước Trường mà Thầy đã phục vụ trên 20 năm, xe dừng lại dăm bảy phút để hương hồn Thầy vào thăm lại trường cũ...
Sau đó đoàn xe tang còn đi bộ ba cây số nữa để đến huyệt. Mộ Thầy ở gần Đàn Nam Giao, ở đầu đường, phía phải, từ Nam Giao qua Núi Ngự.
     Thân hữu, môn sinh trong nước tham dự đám tang, phúng điếu đàng hoàng. Thân hữu, môn sinh ở hải ngoại gửi thiếp, thư phân ưu và đóng góp một số tiền với nguyện vọng là xây cho Thầy một ngôi mộ lớn, song chính gia đình đề nghị cứ để mộ có vẻ khiêm tốn, hợp với ý Thầy và với thực tế. Vì mộ đơn giản nên chỉ trong hơn hai ngày, mộ xây xong với tấm bia cũng đơn giản.

     Thế cũng xong đời của Thầy Phạm Kiêm Âu. Thầy sinh quán, nguyên quán ở Nam. Thầy gia nhập giáo giới năm 1944 lúc bắt đầu dạy ở Lycéum Bassac ở Cần Thơ. Chuyện bất ngờ đã đưa Thầy đến Huế năm 1953 và bắt đầu từ niên khoá sau 1954-1955, Thầy dạy ở Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh. Sau biến cố 30-4-1975, Thầy không phải đi học tập cải tạo mà tiếp tục dạy ở Trường Trưng Trắc một năm rồi tiếp tục dạy ở Trường Đại Học Sư Phạm Huế cho đến năm 1982. Thầy sống ở Huế cho đến lúc qua đời, 1994.
     Như thế, Thầy đã chọn Huế làm quê hương thứ hai và sống tại đấy hơn nửa đời người. Tại đó, Thầy đã đóng góp nhiều vào nền giáo dục địa phương.
     Tôi là người Huế, thương quê hương và tri ân Thầy Phạm Kiêm Âu. Ngoài ra, Thầy là một người bạn quí, tốt. Cho nên tôi viết bài nầy để xin gửi đến hương hồn của Thầy, xem như một đáp lễ điển hình.

 Canada, tháng 12 năm 1994
Nguyễn Hữu Thứ

Chú thích:
(1) Cuốn phim "Bầy thú trước bảng đen" (Blackboard Jungle) được đem chiếu năm 1955, do Glen Ford, Sidney Poitier đóng vai chính. Glen Ford có qua V.N. trước 1975.  Phim Blackboard Jungle nói về tình trạng hỗn độn trong lớp học: học sinh đâm thầy giáo, toan hãm hiếp cô giáo... Thời 1955, các cảnh ấy có lẽ chưa phổ biến nên cuốn phim còn rào trước đón sau. Ngày nay, nhiều chuyện khủng khiếp hơn vẫn thường xảy ra.

(2) Bà Hầu tước De Sévigné (1626-1696) trong hơn 30 năm viết những bức thư xem như những bài báo ngắn về xã hội Pháp trong thế kỷ 17 xem như kỷ nguyên văn học của Đại Đế Louis XIV của Pháp.