Trang Kỷ niệm

Lời từ biệt
Của Nhóm Thân hữu Trường Nữ trung học Đồng Khánh
Kính gởi: Cố đồng nghiệp Phạm tiên sinh

 Kính thưa Thầy,
     Kính thưa Tang quyến và các bạn nam nữ đồng nghiệp,

     Hôm nay, ngày 14 tháng 9 năm 1994, chúng tôi, nhóm thân hữu của Thầy ở trường Nữ Trung học Đồng Khánh đang tề tựu nơi đây để tiễn biệt Thầy. Trong không khí thân mật mà đau buồn và xúc động này, chúng tôi xin phép có đôi lời thô thiển bày tỏ tâm tư tình cảm của chúng tôi. Nhân đây, chúng tôi cũng xin mạn phép được thay mặt cho các thân hữu và môn sinh Đồng Khánh hiện nay ở hải ngoại để tiễn đưa Thầy, tuy các bạn ấy cách xa nhưng tình cảm không hề xa cách…
     Kính thưa Thầy,
     Gần đây, thấy sức khoẻ của Thầy quá yếu, chúng tôi rất lo lắng và không khỏi linh cảm đến một tình trạng không hay. Cho đến hôm nay, mặc dù tin buồn không đến đột ngột, nhưng anh chị em chúng tôi vẫn cảm thấy bị hụt hẫng, đau đớn.
     Thầy mất đi, gia đình mất một trụ cột vững chãi, đông đảo môn sinh mất một vị sư phụ đáng tôn đáng kính, và anh chị em chúng tôi mất đi một đồng nghiệp đáng quý đáng mến ở Trường Đồng Khánh những năm xưa…
     Thầy vào nghề năm 1944, về nghỉ năm 1982, ở trong nghề 38 năm. Đó là khoảng thời gian khá dài đủ để sự cống hiến của Thầy có một bề dày đáng kể; với khả năng chuyên môn già dặn vững vàng, với phong cách làm việc khoa học và không hề mệt mỏi, với một tấm lòng thương yêu học sinh rất mực, với lối sống khiêm tốn và trong lành gần như một triết gia khắc kỷ muốn ẩn mình trong thế giới thanh cao của chữ nghĩa, của sách vở; 38 năm trong nghề là một thời gian khá dài để un đúc hoàn thành ở Thầy những phẩm chất đẹp đẽ của một nhà giáo ưu tú. Thầy quả xứng đáng với 4 từ cao quý Nhà Giáo Ưu Tú. Đây không phải là một danh hiệu do sự  bình chọn  và qua thủ tục hành chính (mà suốt đời Thầy cũng rất ngại sự bình chọn và thủ tục hành chính), đây không phải là một danh hiệu khen thưởng viết lên giấy trắng mực đen, đây là sự cống hiến của một con người; là sự lao động âm thầm không mệt mỏi, suốt một đời tận tuỵ để góp phần xây dựng cho biết bao thế hệ học sinh.
     Từ Trường Lycéum Bassac ở Cần Thơ là nhiệm sở đầu tiên đến Trường Đại học Sư Phạm Huế là nhiệm sở sau cùng, lăn lộn qua nhiều trường, nhưng Trường Nữ Trung học Đồng Khánh là nơi Thầy được lưu lại lâu nhất: dạy giờ từ năm học 1954-1955, giáo viên chính thức từ năm học 1956-1957 cho đến 1976, trên 20 năm, có lẽ đây là giai đoạn yên thân nhất, ổn định nhất trong cuộc đời đi dạy của Thầy, là thời kỳ an cư, lạc nghiệp, có lẽ vì thế mà đây cũng là thời kỳ làm việc hào hứng, đắc ý nhất của Thầy.
     Hồi đó, hình như giữa Trường Nữ Trung học độc nhất ở Huế và ở miền Trung này với vị giáo sư người gốc Nam bộ xa xôi đã có một sự gặp gỡ, một tình cảm thân quen gắn bó mà mãi về sau này, dù năm tháng có trôi qua, dù không gian có cách trở, nhưng tình cảm vẫn không hề phai lạt…
     Nhớ đến Thầy trong khung cảnh của Trường Nữ Trung học Đồng Khánh là nhớ đến một đồng nghiệp đôn hậu và thẳng thắn, vừa nghiêm nghị vừa vui tính; nhớ đến Thầy không thể không nhớ đến tính nguyên tắc, đôi khi nguyên tắc đến nghiệt ngã. Không nguyên tắc thì lập tức trở thành vô tổ chức, mà một nơi Cửa Khổng, Sân Trình như Trường Nữ Trung học Đồng Khánh không thể chấp nhận. Để bảo vệ nguyên tắc, giữ vững kỷ cương nề nếp, ắt phải có những biện pháp hữu hiệu, và Thầy là một trong những nam giáo sư thường đưa ra những biện pháp tốt, có thể nói ở Thầy có cả một kho biện pháp lớn, nhỏ. Phòng gian, bảo mật trong thi cử, đấu tranh cho sự công bằng và trong sạch trong các kỳ thi, Thầy là một mũi nhọn hàng đầu.
     Nhưng từ này, người đồng nghiệp ấy đã ra đi mãi mãi… và mãi mãi… để lại nơi chúng tôi biết bao thương tiếc bùi ngùi.
     Hỡi ngôi trường cũ đầy ắp kỷ niệm vẫn đứng mãi bên bờ sông Hương!
     Hỡi những hàng cây phượng vỹ vẫn in bóng mát xuống lối đi quen thuộc!
     Hỡi những dãy phòng học vẫn mở rộng cửa đón nhận nhiều thế hệ học sinh nối tiếp đi qua!
     Nếu các người có một linh hồn?
     Nếu các người biết rằng Nhà trường đang mất đi một thành viên ưu tú?
     Rằng chính các người cũng đang có sự mất mát đau thương?
     Thì ắt hẳn các người sẽ ủ rủ ưu sầu như mỗi một người trong chúng tôi đây, đang thấy lòng mình chùng xuống, trĩu nặng tiếc thương.
     Và các bạn ở phương trời xa, các bạn sẽ buồn xiết bao khi không thể chắp cánh bay về quê nhà để nghiêng mình trước vong linh Thầy lần cuối?
     Ôi! Bút mực nào nói hết được tấc lòng! Người xưa thường nói: Sinh là Ký, Tử là Quy; sống chỉ là gửi, chết mới thật là về, là đi về, một chuyến đi về vĩnh viễn.
     Vĩnh biệt Thầy! Thương tiếc Thầy!
     Tất cả anh chị em chúng tôi hiện diện ở đây cũng như đang ở xa,
     Xin đốt nén hương lòng nguyện cầu cho Thầy ra đi thanh thản,
     Yên nghỉ thanh thản,

     Mãi mãi và mãi mãi thanh thản trong cõi vĩnh hằng…