Trang Kỷ niệm



Chi chi cũng tương đối
                                           Lê thị Hàn
 - Mommy ơi, Dì Diễm gọi.
     Tôi đang ngồi nhìn ra khoảng rừng sau nhà. Lá đã bắt đầu vàng trên chóp cây, đâu đây mùa thu đang len lén về trong tiếng gió. Ly apple cider vẫn còn nóng, mùi quế thơm và ấm cộng với vị chua chua của nước táo làm cho cổ họng vừa ấm vừa thanh.
     Tôi mới vừa chợt nghĩ, mình chưa bày cho Diễm uống nước táo với quế. Nhưng nước táo với quế chỉ ngon khi trời hơi trở lạnh và nhất là khi trời mới vào thu. Tôi cầm ống điện thoại lên nghe. Bình thường bên đầu giây kia Diễm đã bắt đầu: "Ê, Hàn... làm gì đó? Rồi thì hai đứa dành nhau nói tía lia, không biết chuyện gì mà cứ, để tao nói cái này không thì quên, để tao nói chuyện này vui lắm, rồi rũ cười hi hí như thưở 15 hay 16. Làm cả hai ông xã nhiều khi phải pha trò, hai bà này, đâu còn là teenager nữa mà ôm điện thoại suốt ngày vậy! Chả thế mà nhiều khi mới vừa thả điện thoại xuống, sực nhớ là chưa nói chuyện chính: cái lý do để kêu cú điện thoại đầu tiên!
     Lần này thì Diễm không bình thường lắm, vì Diễm nói rất ngắn và mau:
     - Hàn ơi, mới nghe tin thầy Âu mất rồi!
     - Có biết thầy đau gì không?
     - Đau thì đau đã lâu. Bệnh của các "thầy" đó mà. Các thầy, kể cả thầy Âu, thầy Thám, thầy Mậu, cậu Diễm...ông nào cũng bán phổi đã bao nhiêu năm nay rồi, ăn uống lại kham khổ, thiếu bổ dưỡng, làm việc nhiều cho nên sống được đến ngày nay đã là kỳ diệu lắm rồi.
     Hôm tháng sáu về Huế, đi thăm mộ cậu xong, Diễm và chị Dung có đến thăm thầy. Bước vào căn nhà im vắng, cô dâu của thầy dìu thầy ra ghế bố để tiếp khách cho khỏi mệt. Thầy bây giờ không còn đi đứng một mình được nữa, thỉnh thoảng có thể dùng gậy để đi từng chặng ngắn trong nhà. Mắt thầy kém, giọng thều thào chứ không còn to và rõ ràng như mấy mươi năm về trước. Diễm chào và hỏi:
     - Thầy có nhận ra con là ai không?
     Thầy nói, giọng con quen quá, thầy biết con nhưng mắt thầy không còn nhìn thấy nữa.
     - Tới cái bàn đầy sách vở đó, lấy cho thầy một cái kiếng.
     Diễm thấy trên mặt thầy đã có một đôi mắt kiếng rồi, tưởng thầy quên nên hỏi:
     - Thầy đang đeo kiếng...
     - Thầy cần có hai mắt kiếng mới nhìn thấy - biểu thì phải làm, không được cãi...
     Cái bề ngoài yếu ốm, nhăn nheo, hoàn toàn khác thời trẻ hùng dũng, nghiêm trang, nhưng tính tình thầy lúc nào cũng vậy, "không được cãi", nhớ mấy năm học Pháp văn với thầy, thầy bắt làm gì là phải làm nấy, không ai được cãi. Thầy ghét nhất là học trò đi trễ, luật của thầy là hễ ai vào lớp sau thầy, dù một bước cũng là trễ rồi. Một hôm Diễm chạy vội từ hành lang đến, còn hai bước nữa thì thầy vào đến bực cửa lớp. Diễm phải xô thầy qua một bên để bước đến trước thầy - và nói - con không trể vì con vào lớp trước thầy đó. Thầy nửa muốn cười, nửa muốn giữ mặt nghiêm lại: Thôi, vô lớp đi, đừng nói xàm.
     Diễm thấy trên bàn có hai đôi mắt kiếng không biết lựa cái nào, cũng không dám hỏi lại, nên chọn đại một đôi mắt kiếng đem lại cho thầy. Thầy tròng đôi mắt kiếng thứ hai lên trên đôi mắt kiếng cũ.
     - Không phải đôi này, đưa thầy đôi kính kia, cái con này khi nào cũng phải biểu hai lần mới làm được.
     Diễm muốn nói lại, thầy không nói là cái nào làm sao con biết, nhưng vừa đi lại bàn ăn lấy cái kiếng thứ ba vừa nghĩ đến cậu Diễm, nghĩ đến câu cậu hay nói "cái con này khi nào cũng phải biểu hai lần mới làm được", thì thầy đã nhận ra mình rồi. Diễm dám chắc như thế. Thầy tròng đôi mắt kiếng mới đem đến rồi nói:
     - Con cưng của thầy Khánh chứ còn ai nữa, cha nào con nấy.
     Rồi thầy nhìn qua chị Dung, và gọi Quỳnh Dung.
     Tiếng Quỳnh Dung phát ra từ cổ họng như để hỏi Quỳnh Dung mạnh không con? Quỳnh Dung lại về thăm thầy há! Cám ơn con lắm. Thầy nhìn hai chị em thôi mà không nói được thêm gì hết. Thấy thầy yếu đuối xanh xao, thấy như quá khứ đã bỏ thầy mà đi, để còn lại đây là thân xác già nua vẫn còn muốn chống chọi với những tháng ngày còn lại.
     Diễm gặp thầy lần đầu tiên khi thầy còn là một giáo sư Pháp văn trẻ, bạn đồng nghiệp với cậu Diễm. Quê thầy ở Bến Tre, theo kháng chiến, đi lang thang, trôi giạt về đến Huế. Thầy đi dạy học và gặp cô, cô kém thầy đến mười tuổi, nghe nói hai người có một mối tình rất thơ mộng. Có thể đó là nguồn an ủi lớn lao của thầy trong thời gian xa xứ. Có thể đó là cây cọc níu kéo thầy lại để thầy chọn Huế làm quê hương thứ hai. Cô vẫn còn sáng suốt và rất dễ thương, chỉ tội là cô bị liệt không đi đứng một mình được. Con dâu và con trai thầy sắp đặt cho thầy cô ở hai phòng riêng để tiện việc săn sóc. Khi nào muốn nói chuyện với nhau thì cả hai đều phải nói vọng qua một bức tường. Chỉ khổ là không ai nghe được lời ai nói cả. Giọng thầy không mạnh đủ để thông qua căn phòng bên kia. Bây giờ nói là chỉ thều thào, miệng không còn đủ răng, thầy đã móm mém càng thấy yếu ốm hơn. Tuy thế trong cái thân thể gầy yếu đó mình vẫn còn thấy cái chí phấn đấu, sự cố gắng và cái tinh thần rất mạnh của thầy tỏ ra trong từng cử chỉ. Thầy chưa chịu đầu hàng với số phận đâu. Thầy tuy không còn nói được nhiều nhưng vẫn còn cái giọng tiếu lâm của ngày xưa. Cái miệng hay cười mỉm chi, kèm theo những câu nói giỡn, làm mình trong khoảnh khắc quên hết sự già nua và những năm đã qua. Những lời châm biếm của thầy đặc biệt hơn của những người khác vì đó là cái giọng của một người bắt buộc phải chấp nhận một cuộc sống mà chưa chắc mình ưng ý. Cái giọng để an ủi mình cho đến phút cuối của cuộc đời, thèm muốn một hạnh phúc nhỏ nhoi mà chưa biết có được không? Có bao giờ thầy tự hỏi, giá mình có một cái xe lăn trong nhà, mình sẽ đi lại tự do hơn một chút, mình tự ý qua được căn phòng bên kia ngồi nói chuyện với người bạn trăm năm trong tuổi già, hay chỉ để thấy có người lẩn quẩn đâu đó với mình? Cách có một căn phòng mà không gặp được... Thầy không than, chỉ tiếu lâm đến cả sự thiếu thốn của riêng mình, làm như để tự an ủi, để giễu cợt với Tạo hoá là không làm gì được ta đâu, ta cười ta trước khi ai cười được ta...
     Tôi lên phòng làm việc, tìm lại cái thư thầy đã viết cho mình hồi Tết năm 1964, hơn 30 năm đã qua, cái thư mà lúc nào tôi cũng để kèm với tấm hình của lớp Đệ nhị C1 - có hình thầy ở trên cao - 30 năm về trước, thầy với bao nhiêu nhiệt huyết, bao nhiêu là hoài bão. Cái thế hệ đó của các thầy, thanh niên còn rất nhiều hoài bão mà bối cảnh chính trị và lịch sử đã biến họ thành những người bất đắc chí. Cái thế hệ mà thanh niên cố vươn lên nhưng cơ hội và hoàn cảnh không cho phép. Họ có rất nhiều thiện chí xây dựng nhưng không có môi trường để dung thân. Cái thế hệ đó đào tạo rất nhiều nhà giáo, ai cũng nghĩ là nếu mình cố dạy lớp trẻ sau, mình có nung đúc một thế hệ mới may ra giúp được đất nước nhiều hơn. Đặc tính của các thầy ở thế hệ đó bây giờ rất hiếm. Họ có một sự tự trọng, một mẫu mực rất rõ ràng, một thứ đạo đức hiếm có ở thời nay. Có thể vì chiến tranh của thời đại đó dù có thảm khốc nhưng không gay gắt ngặt nghèo như cuộc chiến vừa qua. Có thể là cái chuẩn mực xã hội sau cuộc chiến trước không bị đổ vỡ hoàn toàn như thời nay.
Thanh niên thiếu nữ thời đó không phải trải qua những biến đổi xã hội lớn lao quá như bây giờ. Nhờ đó mình mới có cái may gặp lại những bậc thầy như những ông thầy mình đã có - họ như những ngọn đuốc chiếu sánh những người mất phương hướng trong cuộc sống hiện tại.
   Tôi đọc lại cái thư của thầy. Cái thư tôi đã đọc bao nhiêu lần trong bao nhiêu năm qua. Những lần trước, mỗi lần đọc lại tôi đều mường tượng thấy thầy ngồi đâu dó, giọng Nam đã bắt đầu tiếng Huế, nói thao thao:
     Huế ngày 7 tháng 2, 1964
     Hàn,
     Tôi có được thư Hàn. Tôi cười ngay, nhớ đến vở đề mục, y như Hàn khi viết thư cho tôi vẫn không quên nhắc đến.
     Lẽ dĩ nhiên là lúc sau này tôi cũng phải có người giữ vở. Nhưng... chưa tìm ra người nào làm việc có vẻ say mê như Hàn! Dù sao, chắc Hàn cũng nhận thấy lối làm việc của tôi cũng có phần nào rành mạch, nghệ thuật đấy chứ?
     Sau đây, tôi thuật lại một chuyện Hàn nghe.
     Cách đây độ một tháng, một buổi chiều nọ, tình cờ tôi gặp một ông cụ tại nhà một ông cụ khác. Sau khi ông cụ sau giới thiệu tôi, ông cụ trước nói: Tôi có con học với ông. Đọc đến đây, Hàn định chừng được ông cụ ấy là ai.
     Và nhờ cụ mà tôi được biết Hàn đã qua Nhật. Sau khi nghe ông cụ thuật lại cảm tưởng của Hàn, tôi có ý định sẽ viết thư cho Hàn khi nào có địa chỉ.
     Nếu tôi không lầm thì Hàn rất nhiều tưởng tượng, và có óc muốn cái chi cũng tuyệt đối cả, y như ... cách giữ vở đề mục. Đó là một ý hay, nói đúng là quá hay, vì đời không đúng như lòng ta mơ tưởng, và vì thế... ta dễ thất vọng. Theo tôi tất cả mọi sự trên đời chi chi cũng là tương đói vậy thôi. Đành là... tương đối.
     Tuy tôi chưa qua được Nhật, nhưng tôi tin chắc rằng Nhật là một trong vài xứ xứng đáng nhất cho người ta ca tụng, về đủ mọi phương diện: Sạch sẽ, đẹp, văn minh, tinh thần. Tất cả Âu-Mỹ đều nể Nhật, và Nhật xứng đáng là xứ làm cho dân da vàng có thể kiêu hãnh với hoàn cầu. Tất cả các dân tộc trên thế giới so sánh Nhật với các đại cường quốc, chứ như Việt nam chúng ta - phải thành thật mà nhận lấy sự thật - thì còn thua kém xa.
     Tôi nhắc lại: chi chi trên đời cũng chỉ là tương đối thôi. Ta không thể tìm được một cái chi hoàn toàn.
     Tôi khuyên Hàn hãy vui vẻ ở lại học cho đến ngày nào thành tài. Tài năng nẩy nở được, chúng ta giúp nước đắc lực hơn. Hàn đang ở trong xứ mà rất nhiều người trên thế giới mơ ước.
     Tết đến tôi chúc Hàn vui vẻ, mạnh khỏe, học hành mau thành tài.
     Ký: Phạm Kiêm Âu
T.B.:
Khi tôi mới đến Huế, tôi bị ngay trận lụt. Nước vào nhà cao khỏi nền độ năm phân. Tôi than rủi quá, lại ở ngay vào chỗ thấp, tôi ước ao phải chi tôi được ở trong thành!
Vài hôm sau, gặp mấy bạn trong thành, tôi hỏi lại mới biết, có nhiều nhà ngập đến... nóc! Tôi hỏi lại mới rõ là tôi ở vào một trong những miền cao nhất ở Huế! Thông cảm!

     Bây giờ đọc lại, biết thầy không còn quanh quẩn đâu đây nữa, những tiếng "chi chi trên đời cũng chỉ là tương đối thôi" văng vẳng trong đầu như một lời tri huấn ngàn năm. "Chi chi trên đời này cũng tương đối cả", tôi muốn lập lại nhiều lần, muốn cả lớp phải lập lại nhiều lần như những lần thầy bắt chúng tôi đọc đi đọc lại những động từ trực tiếp và gián tiếp. Đã ba mươi năm qua, lớp Đệ nhị C1 của thầy ai cũng đã sống hơn nữa đời người rồi, ai cũng đã trải qua bao nhiêu gian truân của cuộc đời, vui có, buồn có, hạnh phúc có, đổ vỡ có... có ai nghĩ đến cái tương đối của cuộc đời mà sống yên vui với cái mình đang có không? Tôi đọc lại câu tái bút của thầy. Ngồi tính nhẩm những năm đã qua, thì ra khi viết thư này thầy cũng ở lứa tuổi của lớp chúng tôi bây giờ. Thầy vui với những gì mình đang có, cuộc đời đã phù du, số ngày còn lại của cuộc sống không biết có còn nhiều hay không, tại sao không vui mà sống. Thầy đã chấp nhận cái tương đối của mọi chuyện trên đời. Thầy cám ơn Trời Phật cho mình sống mạnh khỏe mỗi ngày, cho mình cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên của lòng người của tình yêu, tình cha mẹ, anh em, con cái, bạn bè. Đời là một chuỗi dài hành "nghiệp". Tôi nghĩ đến câu chuyện nước lụt của thầy. Trong chuỗi dài hành "nghiệp", mình đã gặp bao nhiêu là cơn lụt như thế - bao nhiêu lần không biết là mình đang gặp rủi hay may - Hay trong cái may có cái rủi, trong cái rủi có cái may!
     Từ sau khi giữ vở đề mục cho thầy, tôi đã giữ bao nhiêu là sổ khác. Tôi đã nắm bao nhiêu chức vụ quan trọng trong tay với bao nhiêu trách nhiệm nặng nề. Tôi vẫn còn muốn tìm cái tuyệt đối như ngày còn nhỏ, để nhiều khi thấy theo đuổi cái tuyệt đối chỉ làm mình thất vọng nhiều hơn. Thời gian và những lời thư của thầy đã dạy tôi bớt đòi hỏi, dù đòi hỏi ở bản thân mình hay đòi hỏi ở người khác ... "cái chi chi trên đời cũng tương đối cả". Mất đó, còn đó.
    Tôi lại gọi cho Diễm. Buổi chiều đã đến từ lúc nào không hay. Nhà bên cạnh đang đốt lò sưởi. Mùi củi thơm bay theo khói trắng cuộn tròn trong gió. Chắc tụi con nít bên đó đang nướng mashmallow.
    Đã lâu hôm nay mới có mấy tiếng đồng hồ để chỉ nghĩ về quá khứ về những ngày đẹp của một đoạn đời vô tư. Hai đứa nói với nhau là hãy tự nhắc nhở mình và các bạn là chúng mình phải cùng nhau bỏ một ít thì giờ trong cuộc sống bề bộn, bon chen này mà nghĩ đến những người mình thương yêu, cho dù ở chân trời góc biển nào. Nghĩ đến những bậc cha mẹ, những bậc thầy đã gần đất xa trời, nghĩ đến bạn bè, những người xấu số hơn mà mình có thể chia xẻ được với họ. Chia xẻ khi họ còn sống: vì một khi họ đã bỏ mình đi rồi thì không có tình thương nào đem họ trở lại với mình được nữa.
     Tôi và Diễm cùng nhớ đến một người bạn chân tình, một cô học trò thân thương của thầy. Một con người kiểu mẫu, đôn hậu, có trong tay tất cả giá trị, mẫu mực của thời đại trước: Bạch Nga. Mới tháng trước Bạch Nga gặp tai nạn xe hơi. Tôi rùng mình nghĩ lại. Tai nạn xảy ra vào buổi tối khi Bạch Nga lái xe đi học về. Có phải vì mệt mỏi? Có phải vì lo âu? Có phải lúc nào trong đầu óc cũng đầy ắp hình ảnh chồng, con, trách nhiệm, bổn phận ngổn ngang trăm mối? Hay có phải đang bâng quơ nghĩ đến hình ảnh dứa con gái vừa đi học xa mấy tháng đầu tiên.  Bây giờ hắn đang làm gì? có vui không? có học được không? "Hàn ơi, sao tao nhớ hắn quá, tao lo dễ sợ mi ơi!" "Ờ, tao cũng vậy, mỗi lần mỗi gọi điện thoại, có khi phải kềm chế không cho mình gọi số hắn, vì khi hắn bắt lên lại không biết nói gì. Chuyện gì cũng đã nói nhiều lần rồi! Dặn dò biết bao lần cho đủ?" Rồi hai đứa cùng an ủi nhau: "Cứ lo xa vậy chứ hồi xưa mình đi Huế học mình còn nhỏ hơn tụi nó nữa. Mười bốn mười lăm tuổi chứ mấy. Chắc ba má cũng lo ngày lo đêm... Hội An với Huế cũng như Virginia với Cali hay New York với Boston vậy thôi...
     Tại sao Bạch Nga mất? Tôi không còn tin tưởng vào mấy người coi tướng số nữa. Hắn có cái tai to như tai Phật. Hắn giúp đỡ mọi người... Bạch Nga đã mất đi quá sớm, đã ra đi quá đột ngột, đã để lại bao nhiêu là thương tiếc. Và bao nhiêu thương tiếc đó cũng không đủ sức để đem Bạch Nga trở lại với chúng mình. Tôi còn nhớ ngày mới qua Mỹ, Bạch Nga nói với tôi: "Hàn ơi, đời sống ở đây sao vội vã quá, gấp rút, thúc giục quá làm lắm khi mình không còn sáng suốt để thấy cái giá trị của công việc mình làm. Giá không vì tương lai của hai đứa con chắc ta ở lại bên nhà, làm được nhiều điều hữu ích hơn." Tôi lập lại câu chuyện nước lụt của thầy Âu cho Bạch Nga nghe. Tôi hiểu Bạch Nga nhiều, Bạch Nga cũng có những cảm nghĩ như tôi hồi mới đến Tokyo. Như một người đang đi bị hụt chân, quờ quạng tìm kiếm cái giá trị mình đã và đang có, bỗng nhiên như biến mất, bỗng nhiên như vụt khỏi tầm tay. Câu chuyện nước lụt của thầy, cái giá trị tương đối của cuộc sống. Hình ảnh Bạch Nga với nụ cười tươi, giọng nói rõ ràng, đôi mắt to và sáng ngời, vương vấn chập chờn trong đầu tôi.
     Tôi kể cho Diễm nghe cái buổi sáng tinh sương chạy vội vã để bắt cho kịp chuyến xe lửa từ Montreal đi Hoa Thịnh Đốn. Tối hôm trước, khi lên tàu, Thanh Chương đã gọi cho tôi hay số toa và số ghế Thanh Chương ngồi từ Montreal, hẹn nhau là sẽ gặp tôi ở New York để ngồi cùng. Tôi chạy hớt hãi dọc cả con tàu, đọc từng bảng số, nhìn từng loạt người ngồi ngái ngủ trong toa. Đến khi đến được trước toa tàu của Chương, người soát vé không cho tôi bước lên. Lý do là toa đó dành riêng cho những người đi từ Canada. Những hành khách từ Mỹ ngồi ở những toa khác. Tôi năn nỉ, giải thích, chúng tôi xa nhau đã hơn ba mươi năm nay chưa hề gặp lại... rồi tôi khựng lại không nói được cái lý do tại sao chúng tôi hẹn gặp nhau hôm nay... Ông soát vé lạnh lùng đi thẳng. Tôi ngơ ngác bước vào con tàu sắp sửa chạy, tìm một chỗ ngồi kín đáo. Giá như đây là chuyến tàu từ Huế - Đà Nẵng mà trong đó có Bạch Nga, có Bích Đào, có Mạc Ngọc Phương, có tôi đi về thăm nhà thì tôi đâu có bồn chồn buồn bã như thế này! Tim tôi nặng trĩu và mắt tôi chỉ chực khóc bất cứ lúc nào.

     Tôi muốn gặp Thanh Chương, đêm hôm trước hắn ở xa mình một đất nước, bây giờ hắn chỉ cách xa mình có một toa tàu thôi mà cũng không gặp được... Tôi muốn có người chia xẻ với mình cái mất mát lớn lao nầy... Rồi trong lúc thất vọng nhất, tôi thấy ông soát vé ra dấu cho tôi đi theo ông ta qua tàu bên kia... Có phải Bạch Nga đem chúng tôi lại gần nhau không? Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Cái lý do gặp nhau trên chuyến tàu này như xé nát lòng hai đứa - Về Virginia để nhìn Bạch Nga lần cuối. Thanh Chương cầm lấy tay tôi: "Mi vừa vặn lắm, không ốm quá như hồi con gái". Tôi nói, "Mi cũng vậy, vẫn trắng trẻo đẹp đẽ như ngày xưa". Hai đứa kể nhau nghe chuyện đời, nhắc đến từng đứa bạn xưa, Lành, Lạc, Bích Đào, Bích Diễm, Liên Hà, Phương Thảo, Đoàn Hương, Phước Định, Tuyết Mai, Ngọc Diệp, Như Quỳnh, Hồng Chung, Nam Trân, Nguyễn Nga... từng đứa, từng đứa một của lớp Đệ nhị C1. Chúng tôi nói chuyện làm ăn khó khăn ở xứ người. Chuyện dạy dỗ con cái, những hy vọng, những kỳ vọng, những mẫu mực mà ngày xưa lớn lên mình đâu có bao giờ phải nghĩ đến...
     Trời Virginia hôm đó mưa rưng rức. Mưa như khóc giùm chúng tôi. Bước vào nhà quàng, nhìn thấy bác gái, can đảm, cô độc, đôi mắt chăm chăm nhìn vào khoảng không như cố tìm đứa con đã mất. Đôi mắt đó ngờ vực, đôi mắt đó tìm tòi, như thử hỏi có cách nào ai đem Ý Nhi về cho bác không? Tôi lặng lẽ đến ngồi bên cạnh bác, hai tay nắm chặt bàn tay già nua, muốn nói thật nhiều với bác mà không nói được gì hết. Hy vọng trong khoảnh khắc đó tôi làm bác ấm lòng, chỉ mong an ủi được bác trong một giây phút nhỏ nào thôi. "Hàn đó hả con?" Tôi chỉ muốn ôm ghì lấy bác, chỉ muốn nói nói, bác ơi, vai con đây, bác khóc đi... Không ai có thể thay thế được Ý Nhi của bác đâu, hắn phi thường lắm, hắn oai phong, hắn rộng lượng, đảm đang, hắn là cái mẫu mực hiếm hoi còn lại của thế hệ trước. Cũng như thầy Âu là một trong những người cuối cùng của thế hệ trước nữa. Những bậc thầy còn đếm lại trên đầu ngón tay, có thầy Mậu, có cô Linh Hà nội... Không biết Bạch Nga có sẽ gặp được thầy Âu đâu đó để nói chuyện tương đối của cuộc đời???
     Tôi vẫn nhớ đến thầy, nhớ những câu châm biếm, nhớ nụ cười mỉm chi, nhớ con mắt sáng quắc khi nghiêm nghị khi hiền từ. Tôi chỉ tiếc là không giúp được thầy nhiều hơn khi thầy còn sống, như một chiếc xe lăn, một đôi kính lão hai tròng, những nhu cầu thật đơn sơ mà nhiều khi không ai để ý mà biết. Những giòng thư hỏi han, những lần đến thăm viếng. Chúng ta hãy cùng nhau nhắc nhở đến những bậc có tuổi khi họ còn sống. Làm sao để mỗi buổi sáng thức dậy, khi họ còn nhìn được vạn vật, khi họ còn cảm được vẻ đẹp thiên nhiên, họ nhận thức được lòng nhân ái. Làm sao để họ có thể thấy cái diễm phúc Trời cho: Còn sống đến ngày nay để đón nhận những hoa quả của một thời xây dựng, dạy dỗ cho đám trẻ nên người.
     Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho hương hồn thầy chóng siêu thoát. Và nhớ lời tri huấn ngàn năm "Cái chi chi trên đời cũng là tương đối cả".

Viết cho lớp Đệ nhị C1
Lê thị Hàn
Hastings-on-Hudson