Trang Kỷ niệm



Tùy bút : Thầy ...
Kính dâng hương hồn thầy Phan văn Dật và thầy Phạm Kiêm Âu
     Trần thị Mỹ Nhật

"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" huống chi con học mãi không hết chữ của Thầy, Thầy ơi!
     Năm xưa con viết cho Nhụ Hương, nhờ Nhụ Hương đến thăm Thầy giùm con...
     Những chiều thứ Bảy, chỉ có lớp IIC của chúng con là theo thời khoá biểu đặc biệt của Thầy mà đi học thôi. Con khi mô cũng rứa, đầu năm mà không dành lẹ hàng ghé đầu thì lủi nhanh xuống hàng chót ngồi. Con thích hàng ghế chót vì ở đó con thấy và chọc vói được cả lớp... Con xin thú tội vì là một đứa học trò nghịch ngầm (nên sau ni đi dạy, học trò không qua mặt nổi con!), nhưng thiệt tình con không phá thầy đến nơi. Học tới đệ Nhị rồi mà Thầy! Huống chi lại là đệ Nhị C nữa, con đã biết mơ mộng! Thưa Thầy, Thầy còn nhớ không? Thầy đã cho con điểm thiệt cao khi con viết về cái tính chất lãng mạn trong Văn chương Việt Nam đó. Cái chất lãng mạn của gái Huế và của thơ văn đã nhuộm tâm hồn con cho nên những chiều thứ Bảy, khi thầy cho "ra chơi", con và Nhụ Hương đã lang thang đi bẻ những chùm hoa tím nho nhỏ - cánh nó dễ rụng quá mờ - rồi đem vô lớp cắm trên kẽ bàn học.
       Thưa Thầy, cần chi phải nói tới màu tím đam mê của gái Huế nữa; tụi con tuy bị đổi đồng phục qua màu trắng chứ không còn là màu tím của thế hệ đàn chị, nhưng vẫn cứ đa mang với màu "tím Huế". Con và Nhụ Hương đã pha những viên mực tím và bơm vào ngòi bút Parker để chép thơ... Con nhớ có lần Thầy ghé bên bàn con, hỏi con "hoa chi ri", con mau miệng ngỏn ngoẻn thưa "hoa bâng khuâng". Không hiểu tại răng Cam Đường không đá chân ra dấu cho con chơ? Chắc Cam Đường bụm miệng không kịp. Cam Đường có cái tật dùng ngón tay trỏ bịt bịt cánh mũi và chúm chím cười, con không biết nó cười cái chi! Tới chừ mà con còn thấy rõ khuôn mặt bỗng đỏ rần của Thầy hôm đó, Thầy tủm tỉm cười rồi đi lên những hàng ghế trên và tiếp tục giảng bài...
     Con nghịch lắm, con hay chọc kẹ, nói chảu cho bạn bè rúc rích cười rung bắn cả người mà con thì làm mặt tỉnh, nhưng con chưa bao giờ bị bắt cả, rứa mà hôm nớ con thiệt tình là "ngây thơ vô tội", con hoàn toàn không nhớ tới "Bâng Khuâng" của Thầy chút nào... Nhưng chắc Thầy tưởng là con "chọc kẹ" người Thầy thương kính của con, dạ thưa Thầy con mô dám.
     Thầy ơi, Nhụ Hương đã viết qua cho con, Thầy mất rồi Mỹ Nhật nờ! Con đã khóc và chừ con cũng khóc khi Mộng Hoàn gửi cho con một cái note: Mỹ Nhật, Ngọc Túy nhắn Mỹ Nhật gửi tiền về góp phần xây lăng cho Thầy.
     Thưa Thầy, bữa trước Huế hẹn con, tau bận lo đám cưới cho con gái nên chưa tìm lại hình lớp mình được, tau sẽ gửi cho mi sau cùng địa chỉ của Thầy luôn như mi xin... Con đã hụt!!!
     Con là "Garçon" của Thầy đây, Thầy làm răng mà quên con được. Mỗi lần vô lớp, Thầy điểm danh "Garçon" là con phải thưa thiệt to "Présente". (May mà lúc nớ, chơ chừ thì "lúa" đời con rồi Thầy ơi, ai đời Garçon mà lại présente răng chừ!). Cũng tại vì cái hình con nộp cho Thầy để dán với cả lớp như thông lệ, con mặc cái áo len đen, tóc thì kẹp trớt lên hết, không biết chừa vài cọng buông xã làm gái Huế chút mô hết, lại ngó chăm bẳm như "thằng cha bắt ết", rứa mà con đã biết bâng khuâng, đã biết xao xuyến rồi đó Thầy. Nhưng thưa Thầy, con không hề dám có "bồ" sợ quên lời Mạ con dặn, e có bữa Mạ con đập cho chết (con thưa Thầy rứa, chơ con chưa khi mô ăn đòn của Mạ con cả, chỉ thỉnh thoảng nghe giảng "morale" để gọi là nhắc chừng a mà).
     "La nuit de Mai", "Le Lac"...v.v... mà Thầy dạy, con đã cảm nhận. Con nhớ con ngồi ở hàng ghế chót và ở đầu bàn nữa, âm thầm để nước mắt giọt ngắn giọt dài, cắn môi mà không dám tớt vì sợ bạn biết, ốt dột, rứa mà từ trên bục đang ngâm giảng Thầy đã lẵng lặng bước xuống, đứng mãi bên con... Vì Thầy đã thấy con đang thấy Ba con qua hình ảnh con chim "pélican" và cả Thầy nữa, vì hồi đó Thầy và Ba con đều là những người dạy tới số giờ tối đa. Thưa Thầy, Garçon của Thầy mu khóc lắm.
     Con làm sao quên được hôm Thầy ghé đến thăm mẹ con ở Nam Giao. Thưa Thầy, hồi con mới học lớp 7è và 6è thôi mà con đã hiểu được ý thâm thúy của mấy câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
                             Thớt có tanh tao ruồi đậu đến
                            Gang không mật mỡ kiến bò chi
     Con đã từng ngâm nga để châm biếm thế thái nhân tình, vì cuộc đời nổi trôi của Ba con, rứa mà Thầy đã dạy con nhìn đời khác đi. Trong cái thời buổi mà Ba con đang ở "Chín hầm", kể cả thân bằng quyến thuộc, chắc chi đã có mấy ai dám đến thăm gia đình Trần Trọng Sanh, rứa mà Thầy, với mối thâm tình giữa Thầy và Ba con khi Thầy vừa đặt chân đến Đế đô, đã không ngại, Thầy đã đến.
     Cũng như Thầy Nguyễn Hữu Thứ, khi con qua học lớp IC1 bên Quốc Học, khi mô cũng ghé đến bên bàn con và hỏi "có tin chi của Chú chưa?" Những ân tình hiếm quý đó con đã cẩn trọng mang canh cánh bên lòng cho đời bớt chua cay.
     Nơi con đang ở, mùa thu đẹp thiệt, lá vàng đã làm "chiếu lót đàng, vàng lót ngõ" cho con sáng đi tối về, kiếm mồi nuôi con. Đôi khi dẫm lên lá vàng mà ngộ nghĩnh nghĩ: Không biết ông Lưu Trọng Lư ngày xưa có ngờ "con nai vàng ngơ ngác" của ngày ấy là tiền thân của một hậu duệ ngày nay? Con mà cũng còn ngơ ngác vì cuộc bể dâu sao? là con gái của Ba con, là Garçon của Thầy, con đã có lần thấy mình "mạnh" thật! Ngày xưa khi  Hà thị Hạnh theo chồng lên Đà Lạt, con đã có lần tâm sự với Hạnh, đêm đêm khi tứ bề vắng ngắt, mọi người say giấc, mình thấy chao đảo, nhưng cũng đã hiểu rằng nếu mình không tự đứng dậy thì cũng chẳng có ai đỡ. Ba con chưa hề lùi và Thầy đã từng vững tiến, xin cho con được noi gương...
     Thưa Thầy, con gái của Trần Trọng Sanh cũng đã một lần làm con pélican cho năm đứa con thơ trong những ngày đầu sau "biến cố 75" ở đất khách quê người. Đôi khi thấy mệt mỏi cô đơn vì phải mãi mãi làm người hùng, nhưng con lại nghe vang vọng tiếng Thầy năm xưa, và garçon của Thầy không bao giờ chịu lấp mất "Le Lac": nó vẫn mang mang cái lãng đãng của chất lãng mạn Huế... Một chút ướt át của gái Huế cho đời bớt cằn cỗi...
     Thầy ơi, mới ngày nào con còn là con bé với chùm hoa bâng khuâng trên bàn mỗi chiều thứ Bảy ở Nhị C Đồng Khánh, con bé garçon của Thầy, rứa mà chừ tóc con đã đổi màu, và Thầy đã bỏ chúng con ra đi. Nơi nào đó Thầy đến, con kính chúc Thầy hưởng sự thanh nhàn hằng cửu.
     Mãi mãi là học trò của Thầy.


Trần thị Mỹ Nhật

Philadelphia, mùa Thu 1994