Trang Kỷ niệm




Một lá thư đầy tình nghĩa
                                            Trần Phương Trà

Từ những năm 50 đến những năm 80, nhiều học sinh, sinh viên ở Huế được học với thầy Phạm kiêm Âu. Thầy mất năm 1994 tại Huế nhưng những kỷ niệm tốt đẹp về thầy vẫn còn mãi trong lòng các học trò. Ngay sau ngày Huế giải phóng, tôi được gặp lại thầy tại Trường Đại học Văn khoa Huế và thầy đã gọi tên tôi là Vấn ngồi bên cạnh Vĩnh Quyền năm đệ tứ Trung học Khải định Huế (1953-1954). Tôi đã dến nhà thăm thầy nhiều lần. Thầy mở cuốn sổ ghi tên các lớp thầy dạy. Nhiều cuốn có cả ảnh cá nhân học trò ngồi theo bàn ở lớp. Đây chỉ là những cuốn sổ còn lại với trên một vạn học trò. Một số sổ khác bị mất trong những năm chiến tranh khốc liệt.

Hiện tôi còn trân trọng giữ những lá thư thầy gửi cho tôi. Xin trích vài đoạn trong bức thư đề ngày 26/09/1991 để thấy được phần nào tấm lòng của thầy đối với học trò:
1. Lẽ ra, tôi đã viết thư cho anh lâu rồi, nhưng tôi cứ mãi bận, dù đối với tôi, theo nguyên tắc ngày nào cũng là... chủ nhật. Phần bận, phần khí hậu ở Huế... làm mấy ông già phải rêm.
Tôi xúc động nhận được đặc san Quốc Học anh gởi tặng, trong đó anh lại nói tốt cho tôi. Thật sự, tôi đọc những tên trong đặc san..., thấy tên tôi chen vào... không khác con đom đóm bay lên trời đầy sao!... Tôi hiểu là anh thương tôi, nhưng giữa thầy trò thông cảm nhau thì tốt, được rồi, chứ tên tôi, thành tích  của tôi chắc đã làm nhiều người nhíu mày, tự hỏi: "Ai vậy ?Ai lơn tơn vậy?"
2. Giữa thầy trò mình, mỗi lần nhớ: vòng tròn, bánh xe, xe đạp, xích lô, ô tô, ô tô có bánh secours, xe remorque, xe sáu bánh, GMC, xe tám bánh... nhớ tới là vui rồi. Và cũng cho chuộc... vui quá! Chứ thì giờ nào mà tính nửa điểm, phần tư điểm. Đầu năm, tôi đã nói tôi không thể là cân tiểu ly... (đoạn trên thầy Âu nhắc đến những điểm số 0 mà thầy đã cho học trò).
Về sau, Học chánh giao tôi dạy Pháp văn, lý do: thiếu thầy Pháp văn, mà tôi đã có trước kia bằng tú tài II của Pháp (ban triết lý - văn chương). Ngoài những giờ Pháp văn tại Trung học (Đồng khánh, Quốc học và nhiều trường tư), tôi còn 25 tiết Pháp văn ở đại học mỗi tuần. Từ 01/04/1977, Đại học Sư phạm Huế đã rút hẳn tôi về trường, cho tôi vào biên chế. Năm 1982, trường để tôi nghỉ việc, vì tôi đã 63 tuổi.
Trường có cho tôi vào một phái đoàn của trường đi tham quan vài tỉnh. Khi đến Đà lạt, vào vườn hoa công cộng, tôi nghe có người trong đó kêu to: "Thầy! Thầy ơi!" Nhưng... thầy nào? Vì trong đoàn ai cũng là thầy.
Tôi đang ngơ ngác, bỗng nghe tiếng to nói tiếp: "Hằm bà lằn ơ lớn trừ hằm bà lằn ở nhỏ, bằng I hằm bà lằn R". Tôi phát cười, vì biết chắc chắn là họ gọi tôi, vì người gọi phải là một học trò cũ lớp đệ tứ, vì... khi dạy Vật lý đến định luật Ohm, tôi có cho công thức: ΣE-Σe=IΣR (Σ là chữ Hy lạp, đọc: sigma, nghĩa là gồm tất cả, mà gồm tất cả, tiếng Tàu gọi là hằm bà lằn (tôi biết là vì khi còn đi học trong Nam, lắm khi ăn cơm Tàu, nghe người bồi bàn nói).
I là cường độ dòng điện, E là sức điện động, e là sức điện phân, R là điện trở. Công thức trên, lẽ ra chỉ học ở lớp 11. Nhưng thấy học trò nuốt được, tôi cứ dạy... Nhưng tôi chắc chắn không có giáo viên nào đọc công thức đó cách giỡn như tôi, thay vì nói sigma, hay tổng số, tôi lại nói: hằm bà lằn... vì tôi theo phương pháp: nói cách nào cho vui, dễ nhớ...
Vì thế, khi nghe ai đó đọc công thức theo lối giỡn của tôi, tôi biết ngay. Vui quá!
Không ngờ gặp lại hai anh cũng nhắc đến bánh xe... vì cùng năm học với Vấn. Hai anh nhất định ép tôi phải nhận đem về Huế một chậu kiểng để làm kỷ niệm. Hai anh nói của hai anh chung sức làm...
Về đến Huế, tôi có viết thư lên Đà lạt, cảm ơn hai anh. Nhưng tôi bậy quá..., quên ghi kỷ niệm đó ngay tên hai anh trong sổ. Bây giờ, dở sổ ra, dò lại tên, sơ đồ lớp..., không nhớ tên hai anh đó.
Những kỷ niệm vẫn còn trong lòng, dù cái chậu người nhà vô ý làm bể. Đem về tôi để ngay bàn viết, trước mặt, sau chồng sách... Tôi tự tưới mỗi ngày... Tôi đi vắng vài hôm... mà nghe tin: chậu đã bể! Tức quá!

Trong phần 3 của bức thư, thầy Phạm kiêm Âu nói về vấn đề theo dõi học sinh qua tờ lý lịch và tâm trạng của học sinh xem những điều cản trở sự học. Thầy Âu viết:
Nhờ tờ lý lịch tâm trạng:
+ Tôi theo dõi học sinh không ngoài mục đích giúp ích cho học sinh
+ Tôi chận tất cả các con đường xấu, cẩu thả, liều lĩnh... của họ.
+ Chỉ chừa cho họ một con đường duy nhất là phải học + phải đúng đắn trong tinh thần và hành động
+ Tôi cố gắng thực hiện:
1. Truyền kiến thức đúng và đầy đủ cho học sinh thi đậu
2. Và đào tạo học sinh cho có tinh thần, đức tính thông thường của con người.
Tôi nghĩ trong hoàn cảnh thấp kém, tối tăm, chật hẹp của tôi, đó là cách tôi làm bổn phận với thanh niên Tổ quốc.
Qua bao biến cố trong đời tôi, tôi thấy lòng tôi không thẹn với lòng, lương tâm yên ổn... Đó là niềm an ủi lớn nhất của tôi.

Thầy Phạm Kiêm Âu hồi ấy 73 tuổi, hai mắt quá mờ, tuy đã giải phẫu, thị lực chỉ còn 1/3, tai đã khá điếc..., chân đã hết muốn vâng theo trí óc điều khiển. May thay trí óc có lụn, nhưng chưa tàn, và vẫn còn thích nghe, thích nói những chuyện ba láp, khôi hài, tếu...
Cuối bức thư, thầy viết: Mắt kém quá! Viết rồi, tôi không dò lại được.

Với tấm lòng trân trọng, kính yêu, thương tiếc thầy, tôi xin trích lại những phần chính trong bức thư dài rất cảm động của thầy.

(Trần Nguyên Vấn - học sinh lớp đệ tứ B6 - Quốc Học Huế, 1953-1954)