Trang Kỷ niệm




Thầy tôi (bút ký)
                                     H.P.N.Tường

   Hàng năm, khi thành phố Huế đã tống tiễn Ông Táo về trời và những cây bồ đề đã đậu những chùm trái xanh trên cành, đồng thời trút từng loạt lá khô xuống đường phố, thì mẹ tôi lại tất bật làm những món bánh mứt, chuẩn bị lễ tết Thầy năm mới cho tôi. Mứt thì thường có mứt quật, mứt chanh, mứt me, hoặc có khi tôi thấy cả món mứt ớt. Món này làm cho tôi thoạt nhiên đã rùng mình, nhưng nghe mẹ tôi nói ăn vào thì không cay mà ngọt lịm, chỉ thơm mùi ớt. Bánh thì có các loại thường thấy, đặc biệt là bánh cây. Bánh gồm có một nhánh cây chẻ hai nặn bằng bột màu trắng (thường dùng đậu quyên), và những hoa lá bằng bột đủ màu dán bằng hồ lên thân cây. Xong tất cả được đặt lên một tấm giấy nhỏ, và sấy khô trên một chiếc sề lớn, hơ nóng với một trách lửa đốt bằng than. Cuối cùng mỗi thứ bánh đều được xếp vào một chiếc thẩu riêng, viền bằng một băng giấy pơ-luya màu cắt thành tua nhỏ chạy quanh miệng thẩu.
     Mẹ tôi bưng một chiếc khay lớn trên đặt các thẩu mứt bánh, tôi đi trước xênh xang trong bộ quần áo mới, gồm có một chiếc áo dài xanh, quần vải quyến trắng và một đôi xăng đan mới đóng, cùng đi đến nhà thầy tôi. Phải nói rằng từ lớp học vỡ lòng đến sau khi ra khỏi trường đại học, tôi đã theo học với gần một trăm vị thầy cô (kể cả những lớp học hè). Nhưng qua những thăng trầm trong cuộc đời, qua những lớp sóng thời gian, xin nói thành thật là trong tâm hồn tôi chỉ còn lại hình bóng thân yêu của hai vị thầy : một vị dạy tôi thời tiểu học, cùng thầy Phạm Kiêm Âu dạy tôi hai năm ở trung học.
     Không bao giờ xoá nhoà trong trí nhớ của tôi những ngày “đi tết thầy” ấy của tuổi thơ vẫn làm bối cảnh cho hình ảnh nghiêm nghị và nhân từ của thầy tôi, giữa những bộ mặt khác mà tôi đã gặp trong đời. Thầy Âu trước dạy học ở Sài Gòn, sau nghe vì dính líu sao đó với vụ Trần Văn Ơn, thầy bị đổi ra Ðồng Hới, năm 1954 thầy di chuyển theo ngôi trường cũ vào dạy ở trường Quốc Học Huế. Thầy dạy tôi môn Pháp văn lớp đệ thất. Thầy thường nhắc lại mấy câu : “Vật hữu bản mạt - sự hữu chung thuỷ - tri sở tiên hậu - tắc cận đạo hĩ”. Nguyên đây là bài học mở đầu của sách Ðại Học của Nho Giáo, mà thầy Âu luôn nhắc lại như một thứ kinh điển mới. Thầy bảo rằng thầy muốn dạy Ðạo cho chúng tôi, không phải chỉ dạy môn Pháp văn. Và có lẽ vì thế, thầy bắt đầu năm học bằng phương pháp định nghĩa mọi ý niệm căn bản. Thí dụ thầy bảo : “Cấm vào lớp trễ”. Thầy định nghĩa : Thế nào là trễ ? “Trễ là vào lớp sau thầy giáo”. Và thầy nói đùa với học trò : Giá như tôi cho phép người đi tiếp sau tôi vào lớp, thì chẳng lẽ không cho luôn người tiếp theo ông ấy vào lớp ? Cứ nối tiếp nhau mãi như vậy cho đến người cuối cùng bây giờ đang đi trên cầu Trường Tiền ; chẳng lẽ lại không cho là trễ à ? Như vậy bao hàm điều kiện là không bao giờ thầy đi dạy trễ. Ðiều đó càng làm cho chúng tôi kính nể thầy. Tôi nhớ cùng thời với thầy có cụ T. dạy Hán tự chuyên môn đi trễ. Ðến độ, bởi phải ngồi chờ quá lâu, bọn học trò vốn tính ham chơi chúng tôi đã tự động bỏ ra về. Lần khác, họ lại làm ồn như vỡ chợ, khiến thầy giáo lớp bên cạnh sang quát nạt ầm ĩ. Thầy Âu thì không bao giờ để xảy ra tình trạng ấy. Người ta nói rằng thầy Phạm Kiêm Âu đúng giờ giống như Kant, thời ông đi dạy triết ở thành phố Kơnigberg nước Ðức. Hễ ông đi tới đâu là người ta biết ngay đồng hồ chỉ mấy giờ. Nhưng Kant còn có hai lần đến lớp trễ, ấy là lần xuất bản cuốn sách Contrat social (Khế ước xã hội) của J.J.Rousseau và lần bùng nổ cuộc Ðai cách mạng Pháp. Còn thầy Âu thì luôn luôn đúng giờ. Và do thế bọn chúng tôi không đứa nào dám đi trễ. Dù là một đứa bé ham chơi, tôi rất thích giờ học của thầy Âu bởi những lối hành sự độc đáo do thầy bày ra. Chúng luôn luôn hóm hỉnh và thúc dục chúng tôi làm theo lời thầy. Thí dụ chức vị “ngũ hổ tướng” mà thầy phong cho một số học trò hoang nghịch ở trong lớp : mỗi vị trong “ngũ hổ tướng” phải chịu trách nhiệm trong hai dãy bàn trong lớp học ; mỗi lần có tiếng ồn phát ra từ hai dãy bàn ấy thì vị “ngũ hổ tướng” phải báo cáo với thầy tên người làm ồn ; và được trao lại chức ngũ hổ cho người mới sau này ; nếu không tìm ra được người làm ồn thì sẽ bị thầy Âu cho điểm không. Mà cách cho điểm không của thầy Âu rất “ớn” đối với chúng tôi : hễ đã bị điểm không một lần thì suốt tháng ấy, đến giờ thầy Âu, đều mặc nhiên được thầy cho điểm không. “Ðiểm âm” (cho nợ lại lần sau, sẽ trừ vào điểm của giờ vật lý lần sau) cũng là một sáng kiến rất vui của thầy Âu trong giờ vật lý hàng tuần. Thầy ra bài trên bảng đen, và các học trò giải thật nhanh trên một tờ giấy, chỉ trong vòng năm phút. Có lần thầy ra một đề bài nói về điện và đáp số của bài là 08 watt. Một anh bạn tôi đưa đáp số là 80 watt, bị thầy Âu cho âm 10 điểm. Anh bạn lý sự : “Nếu con không làm được gì cả, thì thầy sẽ cho không điểm là đáng. Còn ở đây, con giải bài đúng cả, chỉ nhân chia sai, mới ra đáp số như vậy. Làm sao thầy lại cho con điểm âm ?” Thầy Âu cười tủm tỉm, nói to cố ý cho cả lớp nghe : giả dụ có một người phụ nữ đi ngoài đường, người ấy tám tuổi, và tôi hỏi anh rằng xin cho biết người ấy mấy tuổi. Thà rằng anh nói “không biết” ; đằng này anh trả lời rằng 80 tuổi. Cho anh điểm âm là đúng.
     Ðiều khiến tôi giữ lại hình ảnh của thầy Âu rất lâu, ấy là tình thương của thầy đối với học trò. Phải nói rằng trái tim của thầy thật là bao la ; dù thái độ bên ngoài rất nghiêm khắc của thầy.
     Bẵng đi nhiều năm sau những giờ học ở lớp đệ tứ, tôi không còn được học với thầy, chỉ thỉnh thoảng thấy bóng thầy thoáng qua sân trường. Ðùng một cái, trong một giờ bãi học ở lớp đệ tứ, thầy giám thị báo tin rằng thầy Phạm Kiêm Âu sẽ dạy thêm giờ vật lý miễn phí vào buổi trưa, trò nào muốn học thì ở lại học. Xin lưu ý rằng học sinh đệ tứ chúng tôi cứ nghe nói đến học thêm là trong bụng mừng rơn. Môn vật lý là môn khó, và tất cả giờ học trong tuần đều đã lấp đầy, dẫu có muốn chèn thêm cũng không còn thời khoá biểu. Môn vật lý đệ tứ cũng do thầy Âu dạy, nên thầy phải dạy thêm vào buổi trưa. Tôi nghe thầy có nói ở đâu đó rằng thầy dạy thêm như thế “vì quá lo cho đám học trò của thầy, muốn chuẩn bị kỹ cho kỳ thi sắp tới”. Chúng tôi nghỉ độ năm phút rồi vào học thêm giờ thầy Âu. Thầy giảng bài theo sách của Brachet ; chúng tôi phải ghi lại trong hai quyển vở : một quyển là bài học, quyển kia làm vở tóm tắt các bài học. Ngay cả trong vở tóm tắt thầy Âu cũng rất kỹ lưỡng : chỗ nào là gạch chân, chỗ nào là gạch gợn sóng, gạch đầu dòng, gạch mực xanh hay mực đỏ… Một nửa thời lượng còn lại dùng làm bài tập. Với thái độ tận tuỵ như vậy, thầy Âu kéo tất cả chúng tôi theo thầy, qua những buổi trưa lẽ ra buồn ngủ trĩu mắt. Nhưng trong chúng tôi không anh nào bỏ cuộc.
     Tôi phải xa thầy Âu mười năm, để đi làm nghĩa vụ kháng chiến ở trên rừng. Ngày giải phóng tôi về Huế, và người đầu tiên tôi tìm thăm chính là thầy Âu. Tâm hồn tôi xao xuyến vì hình ảnh từ tốn và tận tuỵ của thầy, cùng những kỷ niệm về những cuộc “đi tết” Thầy. Tôi nghĩ rằng việc tết Thầy là một sự kiện quan trọng của tuổi học trò, qua đó tôi được biểu lộ lòng biết ơn đối với thầy. Vả lại, cha tôi thường bảo “Tiên học lễ hậu học văn”.
     Thầy vẫn giữ chiếc áo vét màu mỡ gà, gương mặt nhân từ và thích khôi hài nhưng mái tọc thầy đã bạc phơ. Lưng thầy còng hẳn xuống, có lẽ vì quá nhiều năm tháng đã hết lòng lo cho học trò. Gặp tôi trong bộ quần áo quân giải phóng bước vào nhà, thầy lùi lại nhìn kỹ rồi bỗng nhiên, thầy nhảy đến ôm chầm lấy tôi, khóc ròng rã :
      - Mừng anh đã hoàn thành sự nghiệp …
      Tôi đáp :
      - Thưa thầy sự nghiệp của tất cả chúng con cộng lại chính là sự nghiệp của thầy.
      Hàn huyên một lát, thầy Âu trở vào phòng trong, lấy ra mấy tập sổ cũ và chỉ cho tôi xem tập ghi điểm số của tôi lúc còn học với thầy ; tấm ảnh thời học trò của tôi dán vào đúng chỗ ngồi của tôi trong lớp, giữa những gương mặt bạn học của tôi.
       Tôi cũng được thầy cho nhìn lại sơ đồ của hai chị em gái và đứa em trai của tôi cũng đi rừng. Gia đình tôi có bốn anh chị em, lần lượt đều là học trò của thầy Âu. Em Phan tôi dáng hài hước rất buồn cười dưới chiếc mũ hướng đạo của nó, thời đó. Tôi nghĩ rằng không thể có một viện bảo tàng nào trên thế giới có thể giữ lại được những kỷ niệm nhỏ nhoi ấy của đời người. Trên tường, nơi bàn viết của thầy, có treo một chữ Hán viết rất đẹp bằng mực đen : chữ “Nghĩa”.

Huế, ngày 04 – 01 – 2005

H.P.N.T.