Trang Kỷ niệm



Con đom đóm nhỏ

                              Trần Lạc Thư
ĐỒNG KHÁNH MÁI TRƯỜNG XƯA
Đặc san kỷ niệm 75 năm thành lập trường

 Khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu "mệt mõi", tôi mới ý thức được giá trị của những kỷ niệm trong cuộc đời mỗi con người; tôi hiểu được vì sao, những người như mệ tôi hay mạ tôi, dù luôn luôn bị áo cơm "ghì sát đất", vẫn thường say sưa kể cho con cháu nghe về những ngày xa lắc xa lơ của mình... như mới hôm qua!
      Nhiều khi, nửa đêm thức giấc, bỗng một khuôn mặt, một nụ cười, một cái nhìn tinh nghịch nào đó của bạn bè hay một ánh mắt vừa ấm áp, vừa lạnh lùng cùng với giọng nói trầm trầm như thôi miên của một người thầy cũ hiện về... Và cứ thế, tôi ngụp lặn trong quá khứ như sợ hết, như sợ mất, như sợ bị bỏ lại bơ vơ trong cuộc đời.
     Và sau một trong những lần như thế, mới đây, tôi cảm thấy thôi thúc như một nhu cầu nội tâm: phải tìm thăm một người thầy cũ mà nhiều thế hệ học sinh trường Nữ Trung học Đồng Khánh "vừa sợ vừa thương", và gọi thầy bằng một cái tên trìu mến: "ông già Tối Đa". Đó là thầy Phạm Kiêm Âu.
     Tôi có cảm giác hình như thầy "già" hơn cái tuổi 74 của thầy. Tuy nhiên, trí nhớ của thầy thì không chê vào đâu được. Mới đầu, thầy hơi ngờ ngợ; nhưng chỉ cần gợi một vài chi tiết, thầy gọi đúng tên tôi và hỏi thăm từng người trong số bạn bè cùng lớp với tôi. Thế là câu chuyện giữa hai thầy trò bắt đầu rôm rả hẳn lên. Thầy nói không biết mệt, vẫn cái giọng Nam Bộ "chay" không pha tạp giữa cuộc sống vốn nhiều "tạp âm" này.
     Câu chuyện dang hồi sôi nổi, bất ngờ, thầy tuyên bố "giải lao" năm phút. Tôi tưởng thầy mệt và gợn chút ân hận vì đã không chú ý đến dức khoẻ và tuổi tác của thầy. Nhưng tôi đã nhầm. Đúng năm phút sau, tôi nghe những bước chân thận trọng xuống cầu thang... Thầy xuất hiện với một chồng sổ trên tay và một cái hộp giấy đã cũ.
     Nhìn những cuốn sổ úa vàng, nửa như bất lực, nửa như trách móc với thời gian, tôi chưa kịp hình dung được điều gì. Không cần tìm kiếm, thầy rút ngay cuốn sổ đã rách bìa mang số 45, vui vẻ trao cho tôi:
     - Trong chiến tranh, tôi bị mất một ít, chỉ còn lại 64 cuốn sổ. Đây, để chị chiêm ngưỡng một chút chân dung của chị ngày xưa...
     Đúng rồi - tôi nhớ lại - trước đây, cứ gần cuối mỗi năm học, thầy xin mỗi học sinh một ảnh nhỏ. Tất cả ảnh được dán theo sơ đồ lớp trong sổ riêng của thầy.
     Tôi run run mở ra trang đầu tiên, và trước mắt tôi là dòng chữ: TỔ QUỐC TRÊN HẾT, TẤT CẢ CHO TỔ QUỐC, VÌ TỔ QUỐC, CHỈ VÌ TỔ QUỐC được kẻ nét lớn, chân phương, trang trọng. Trang thứ hai là 5 ĐIỀU NGUYỆN cũng được viết một cách nắn nót, nội dung tự khuyên mình sống khiêm tốn, hy sinh. Đây là "tuyên ngôn" của một nhà giáo chân chính. Và đúng là cả cuộc đời, thầy đã sống trọn vẹn với 5 điều nguyện của mình. Tôi là một trong những giáo viên đã hơn một lần có ý định chia tay với nghề vì những khó khăn trong cuộc sống nên mỗi điều nguyện của thầy bây giờ đọc lên cứ nghe như những hồi chuông lay tỉnh, như một lời cảnh cáo ngọt ngào và kiên quyết. Tôi cảm thấy một cái gì đó đang len nhẹ vào tâm hồn, vừa buồn buồn, xót xa, vừa như mới được tiếp thêm một nguồn sức mạnh mới để đủ sức sống trọn vẹn với nghề.
     Hình như có một ánh mắt nghiêm khắc đang nhìn tôi và những dòng chữ nhảy múa trước mắt tôi: "Hỡi ai định vào nghề này, người hãy nguyện đủ 5 điều trên. Nếu người nguyện thiếu một điều thì người đã đi lầm đường rồi, hãy tìm nghề khác. Đây là nơi sống của các triết nhân, của những tu sĩ, tu sĩ thờ... một lý tưởng. Có những người chịu thiệt thòi suốt đời cho người khác hưởng...". Tôi muốn chạy trốn, muốn... vòng tay xin lỗi thầy như ngày nào khi đọc đến câu của La Fontaine được thầy viết bằng mực đỏ, không phải bằng nét chữ nắn nót cẩn thận thông thường mà thầy viết tháu, chữ rất nhỏ như không muốn để ai đọc ra: "Le symbole des ingrats, ce n'est point le serpent, c'est l'homme". (Biểu tượng của sự bạc bẽo không bao giờ là con rắn mà chính là con người - Xin thầy đừng bắt em chép phạt, vì đúng ra, ce n'est point phải dịch là không chút nào).
     Như đón được những suy nghĩ thầm kín của tôi, thầy nói như an ủi:
     - Trong cuộc sống cũng lắm khi chán chường. Tôi đã chép câu ấy để tập đối diện với sự thật ở đời. Mặc dù vậy, tôi vẫn không quên câu: "Exiger la reconnaissance, c'est presque mériter l'ingratitude." (Đòi hỏi sự biết ơn là gần như đáng bị bội ơn). Chúng ta sống với nghề không phải vì sự biết ơn của người đời. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người thầy giáo là được thấy những thế hệ học sinh của mình thực sự thành NGƯỜI, còn ngoài ra... làm nghề này là phải chấp nhận sự     hy sinh.
     Ngừng một lát, thầy lấy khăn lau kính rồi nói tiếp, giọng buồn buồn:
     - Hy sinh, thì đành là hy sinh. Nhưng những người có trách nhiệm đừng để giáo chức phải chịu đựng hy sinh quá sức. Lò giáo dục mà tắt thì tất cả sẽ tắt theo...
      Từng trang một, từng trang một, lần lượt những khuôn mặt hiện ra như những cuốn phim tư liệu với đầy đủ các chi tiết: chữ ký, những đặc điểm cá nhân, những ưu điểm, những lỗi lầm, những lời khuyên của thầy dành riêng cho từng người... Lần lượt, lần lượt, từ thế hệ này sang thế hệ khác, những ai trong đời đã có lần được học với thầy đều được giử lại trân trọng trong những cuốn sổ, trong ký ức và tình cảm nghề nghiệp sâu đậm của thầy.
     Ngày xưa, mỗi khi năm học bắt đầu, bao giờ thầy cũng phát cho mỗi học sinh một phiếu cá nhân theo một mẫu thống nhất (do thầy tự làm và thuê in). Trong phiếu ấy, thầy yêu cầu học sinh ghi cho thầy mấy mục: vài dòng về lý lịch bản thân (không phải khai lý lịch như cách hiểu hiện nay), tâm trạng và nguyện vọng của bản thân, những khó khăn trong cuộc sống riêng có thể ảnh hưởng đến việc học hành và trau dồi đức hạnh, vv... Sau đó là phần dành riêng cho thầy ghi những lời khuyên của thầy đối với từng người. Phiếu cá nhân của học sinh bao giờ cũng được giử hết sức bí mật, chỉ trao trả tận tay cho từng người theo kỳ hạn nhất định. Đối với các học sinh "có vấn đề", thầy tìm cách tiếp xúc riêng trong giờ chơi, trước hay sau buổi học, có khi thầy mời về nhà để trao đổi riêng; đề nghị phụ huynh, nếu không gặp trực tiếp thì viết thư trao đổi với thầy về việc học hành và tu dưỡng của con em mình. Những lá thư đó thầy dán vào sổ hoặc là đánh số để trong một hộp riêng, như chiếc hộp đang nằm trước mặt tôi.
     Thầy bao giờ cũng đặt yêu cầu tối đa đối với học sinh trong học tập và trau dồi đức hạnh. Trong thi cử, thầy đặc biệt nghiêm ngặt và nổi tiếng là người có nhiều sáng kiến ngăn ngừa "tội phạm", chỉ để lại cho học sinh một con đường duy nhất: học và đứng đắn trong tinh thần, hành động. Nghiêm khắc đến vậy, nhưng cuối cùng, trong hội đồng thi tốt nghiệp, bao giờ thầy cũng tìm mọi ưu điểm, mọi lý do chính đáng để vớt tối đa. Đó là nguyên nhân hình thành cái tên gọi trìu mến: Ông già Tối Đa.
     Trước đây, khi chọn nghề "gõ đầu trẻ" và quyết tâm khổ luyện để lọt qua được các kỳ thi, trở thành sinh viên đại học sư phạm, tôi cũng như những bạn bè tôi đều có quá trình ấp ủ "giấc mơ làm thầy" từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, và chất gây men đầu tiên chính là tài năng và đức độ của những thầy giáo, cô giáo. Tôi là một trong những học sinh "may mắn" được đi tiếp con đường của các thầy, các cô; nhưng đối với người, tôi chỉ là một môn đệ hèn kém. Tôi nhớ lại, sau khi biết mình chính thức thi đỗ vào trường đại học Sư phạm Huế, tôi có đến thăm (và nhân tiện để "khoe") thầy Phạm Kiêm Âu. Buổi sáng hôm đó, thầy đã nói với tôi như trao đổi tâm tình với một đồng nghiệp đang chập chững vào nghề:
     - Tôi bao giờ cũng mong muốn học sinh phải giỏi hơn tôi về tài năng và đức độ. Tự hào về tổ tiên mình là chính đáng, nhưng không nên trở thành "indignes descendants d'illustres ancêtres" (con cháu bất xứng với tổ tiên oanh liệt), Không chỉ xứng đáng, điều quan trọng là phải "giỏi" hơn tổ tiên... Cha ông mình nói rồi, "con hơn cha là nhà có phúc"...
     Hai thầy trò ngược dòng quá khứ, cứ thế, hết chuyện này đến chuyện khác... gần một buổi sáng mà vẫn thấy chưa đủ. Tôi sợ thầy mệt nên chủ động tìm cách kết thúc:
     - Thưa thầy, năm nay nghe nói sẽ tổ chức hội trường nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập trường Nữ Trung học Đồng Khánh, thầy đã biết chưa?
     Không trả lời ngay câu hỏi của tôi, khuôn mặt thầy bỗng trở nên trầm ngâm. Sau đôi kính trắng, mắt thầy thẫn thờ như đang dõi về một nơi xa xăm nào đó. Tôi đọc được tâm trạng của thầy, vì gần như cả cuộc đời "cầm phấn" của mình, thầy chủ yếu gắn bó với trường Nữ Trung học Đồng Khánh. Thực ra, thầy vào nghề từ rất sớm. Năm học 1944-1945, thầy dạy Lý-Hoá cho lớp tú tài Pháp ở trường tư Lycéum Basac (Cần Thơ). Và cũng như những thanh niên yêu nước thời bấy giờ,     thầy hoà tan vào cuộc cách mạng Tháng Tám rồi kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Từ năm 1950 thầy bị Pháp bắt giam ba lần ở Sài Gòn và cuối cùng bị đưa đi an trí tại Đồng Hới (Quảng Bình) cho đến tháng 4-1953. sau khi được trả tự do, thầy tìm cách dạy tư tại đó cho đến tháng 8-1953 thì vào Huế.
     Ở Huế, ban đầu thầy ký hợp đồng dạy cho trường tư thục Nguyễn Du; sau đó, để được hoản dịch, thầy phải hợp đồng dạy cho một trường công lập, với đồng lương thấp hơn, là trường Khải Định nhỏ (nay là trường Nguyễn Tri Phương) và với điều kiện là phải dạy lớp cuối cấp. Sau hiệp định Genève, thầy xin thôi dạy trường công (hết sợ quân dịch) nhưng không được chấp thuận. Thấy thế, ông Phạm đình Ái (lúc đó là Giám đốc Học chánh Trung phần) khuyên thầy về "ẩn" ở trường Nữ Trung học Đồng Khánh, lúc đó do bà Nguyễn Đình Chi làm hiệu trưởng.
     Năm học 1955-1956, ông Ái và bà Chi xung đột với chính quyền và đều từ chức. Một nhóm giáo sư (trong đó có thầy) vì ủng hộ bà Chi nên bị ông Giám đốc Học chánh mới thuyên chuyển, phân tán đi các trường khác. Thầy trở về trường Nguyễn Tri Phương nhưng vẫn tiếp tục dạy giờ cho Đồng Khánh vì trường vừa mới mở thêm đệ nhị cấp (cấp III) nên thiếu thầy. Từ năm học 1856-1957, thầy được mời trở lại hẳn với trường Đồng Khánh và gắn bó với mái trường cho đến năm 1976, khi trường đã được đổi tên thành Hai Bà Trưng. Năm 1977, thầy về dạy tại trường Đại Học Sư Phạm Huế đến năm 982, thầy về hưu.
     Có một chuyện thầy không kể, nhưng tôi và nhiều học trò cũ của thầy đều biết. Tôi không muốn kể ra đây, vì mỗi lần nhớ đến, trong cổ tôi như có vị đắng. Nhưng không kể thì thiếu đi một nét nhất quán trong nhân cách của thầy.
     Sau 1975, khi thầy còn dạy ở trương Hai Bà Trưng, ông Nguyễn văn Hạnh và ông Lê đình Phi xin thầy về trường Đại học Sư phạm Huế. Bà hiệu trưởng ủng hộ nhưng ông Trưởng Ty Giáo dục muốn giử thầy lại để "làm nòng cốt". Đến hè 1976, trong lúc ông Trưởng Ty đi vắng, không hiểu sao, thầy nhận được quyết định chuyển về một trường phổ thông cơ sở. Vì không bố trí được, thầy vẫn vui vẻ làm việc như một lao công thực thụ: quét dọn, khiêng bàn ghế... và ngày nào cũng không quên mang nước theo để uống; đi, về đúng giờ giấc quy định. Sau đó, thầy được chuyển về dạy Pháp văn lớp 6 tại trường Vĩnh Lợi đến tháng 4-1977, Ty Giáo dục đồng ý cho thầy về trường Đại học Sư phạm Huế.
     Còn biết bao nhiêu điều phải nói về một con người (và những con người) suốt đời chỉ có một ước nguyện đóng góp cho Tổ quốc, cho xã hội bằng nhân cách, trí tuệ và bằng chính sự hiện diện của mình trên bục giảng.
     Trước khi chia tay với thầy, tôi đã làm cái việc, có thể nói là "dại dột" khi nói thêm vài lời ca ngợi thầy. Thầy không vui khi nghe những lời ca ngợi đó. Tiễn tôi ra cửa, thầy nói:
     - Một con én không làm thành mùa xuân, mà tôi chưa được là con chim én. Tôi chỉ là con đom đóm nhỏ...
     Ôi, những con đom đóm nhỏ mà ánh sáng khiêm tốn lập loè trong sâu thẫm tâm hồn của mỗi con người! Nơi ấy, ngay cả mặt trời chói chang cũng không soi thấu được.

Huế, tháng 1 năm 1992